Nghề Luật trong tôi là ...

Chuỗi cảm xúc của sinh viên năm nhất Khoa Luật Trường Đại học Đông Á

 

🌸 Nghề Luật là một lĩnh vực hoạt động lao động, trong đó con người vận dụng các tri thức, kỹ năng qua đào tạo để làm ra những sản phẩm, cung cấp dịch vụ có tính vật chất hay tinh thần phục vụ nhu cầu của xã hội. Nghề Luật sư là một nghề Luật cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý như tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước Tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng, luật sư được nhận thù lao, chi phí do khách hàng chi trả.

⚖ Nghề luật sư là nghề gắn với số phận con người và sự thực thi pháp luật nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về tiêu chuẩn và điều kiện để một người có thể trở thành luật sư và hành nghề luật sư.

Luật sư hành nghề bằng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp của cá nhân luật sư. Nói cách khác, phẩm chất và năng lực cá nhân của luật sư là yếu tố quyết định trong nghề luật sư. Hoạt động nghề nghiệp của luật sư không chỉ liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà còn liên quan đến quản lý nhà nước bằng pháp luật. Đối với luật sư không chỉ đòi hỏi về trình độ, chuyên môn mà cả về mặt đạo đức nghề nghiệp cũng đòi hỏi rất cao. Nghề luật sư được điều chỉnh và kiểm soát rất chặt chẽ bằng những quy định của pháp luật. Để hướng những hành vi ứng xử của luật sư theo những chuẩn mực, xuất phát từ yêu cầu khách quan của hoạt động nghề nghiệp, thì bên cạnh yêu cầu tuân theo pháp luật, việc tuân theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp là một yêu cầu không thể thiếu được đối với luật sư.

Người hành nghề Luật thường có một số đặc điểm như:

1️⃣ Thể hiện sâu sắc đặc điểm tâm lý của những người được coi là thành công trong “nghề luật”, một nghề mà họ tâm huyết lựa chọn nên thường có tâm lý quen với việc đưa ra lời “khuyên bảo” cho người khác, thay vì muốn nhận lời khuyên bảo, tư vấn từ người khác đối với mình;

2️⃣ Luôn khao khát thành công trong công việc;

3️⃣ Thường muốn kiểm soát người khác trong khi giao tiếp, hành nghề;

4️⃣ Biết “nghi ngờ trước mỗi sự kiện, sự vật, hiện tượng do đặc thù nghề nghiệp kết hợp với bản năng tự nhiên;

5️⃣ Có tư duy phản biện, khái quát vấn đề kết hợp với xu hướng cụ thể hóa mọi việc, phù hợp với vị trí “người giải quyết vấn đề”;

6️⃣ Có “phạm vi quyền” rộng theo quy định pháp luật và ý thức rất rõ về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của bản thân;

7️⃣ Thích được Vui vẻ - Thân thiện - Ghi nhận - Khuyến khích trong môi trường phối hợp công tác hoặc trong môi trường đào tạo, bồi dưỡng;

8️⃣ Có sự kỳ vọng đặc thù của người hành nghề luật (Muốn được biết nhiều hơn về pháp luật và quy trình tư pháp, hành chính cũng như luôn muốn tiếp nhận tri thức và kỹ năng làm việc mới, nhưng trực tiếp liên quan đến công việc của bản thân;

9️⃣ Muốn được chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong môi trường cùng đồng nghiệp, qua đó khẳng định “cái tôi” nghề nghiệp của bản thân ở từng vị trí công việc;

🔟 Mối quan tâm nghề nghiệp chung của người hành nghề luật là được học tập, đào tạo lại và trải nghiệm trong môi trường học tập an toàn”; tích cực bày tỏ, chia sẻ cách tiếp cận với sự độc lập tư pháp trong môi trường học đường; không thích bị “chỉ trích”.

Vậy, để thực hiện thành công định hướng nghề Luật mà mình chọn, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải:

- Trước tiên, một Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì phải có cái “TÂM” trong sáng. Chữ “TÂM” ở đây được hiểu Luật sư phải là người thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề.

- Thứ hai, Luật sư phải là người nắm chắc các quy định của pháp luật. Hoạt động chính của Luật sư là áp dụng pháp luật, tư vấn áp dụng pháp luật trong những trường hợp khác nhau trong cuộc sống. Chính vì vậy, Luật sư phải nắm bắt đầy đủ và chính xác các quy định của pháp luật đồng thời biết vận dụng những quy định ấy linh hoạt và chính xác. Một Luật sư giỏi là người biết vận dụng linh hoạt những quy định của pháp luật.

- Thứ ba, Luật sư phải là người có các kỹ năng mềm cần thiết. Kỹ năng mềm ở đây có thể hiểu là khả năng hùng biện; nắm bắt, tổng hợp và phân tích vấn đề; thuyết phục người khác… Kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng đối với Luật sư trong việc có thành công hay không bởi nghề Luật sư vừa phải giao tiếp với rất nhiều người, vừa phải tự nắm bắt các vấn đề, thông tin của khách hàng…

- Một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng để tạo nên chỗ đứng cho Luật sư là ngoại ngữ. Ở Việt Nam, số lượng Luật sư có khả năng ngoại ngữ tốt không nhiều. Trong khi đó, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập với Thế giới. Khách hàng và những vụ việc có yếu tố nước ngoài là những “mảnh đất” màu mỡ tạo ra thu nhập lớn cho những Luật sư. Chính vì vậy, việc các Luật sư có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có lợi thế hơn so với những Luật sư không có trình độ ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ kém

Nghề nào cũng có cái khó riêng, quan trọng là mỗi chúng ta biết ước mơ và cố gắng hết sức để hoàn thiện ước mơ của mình. Luật sư là một nghề khó, đòi hỏi những người có tinh thần và ý chí vững vàng. Nếu thực sự có đam mê, ngại gì mà chúng ta không phấn đấu để trở thành Luật sư chân chính.

- Trích bài viết của sinh viên Trần Khánh Linh lớp LE20A1A -