Chuỗi cảm xúc của sinh viên năm nhất Khoa Luật trường Đại học Đông Á
Tôi là sinh viên năm nhất ngành Luật Kinh tế trường Đại học Đông Á. Một ngôi trường rất đẹp, luôn đi đầu trong việc ứng dụng Khoa học công nghệ và đầu tư cho cơ sở vật chất đề sinh viên được học tập trong môi trường tốt nhất. Lúc đầu, tôi không nghĩ mình sẽ chọn con đường này nhưng cuối cùng tôi đã đặt hết niềm tin và thử sức chính bản thân mình. Sau khi được trải nghiệm về ngành này được một thời gian, tôi cảm thấy ngày càng thích thú, tò mò và quyết tâm theo đuổi nó. Sau đây, tôi sẽ cho các bạn biết “ Nghề luật” là như nào và cách tôi sẽ thực hiện đề thành công định hướng “Nghề luật” mà tôi đã chọn.
Pháp luật có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống. Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Khi pháp luật đã được ban hành thì mọi công dân, tổ chức phải chấp hành và thi hành pháp luật. Nhưng không phải ai trong xã hội cũng có ý thức chấp hành pháp luật. Để đảm bảo pháp luât được thực hiện nghiêm túc, phải có một đội ngũ đông đảo những người làm công tác thi hành pháp luật. Nhiệm vụ của những người này là giúp người dân hiểu rõ pháp luật, tạo điều kiện cho họ hưởng các quyền công dân của mình, phát hiện và xử lí các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích riêng của từng người dân.
Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại tòa án, viện kiểm soát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước,...
Nghề luật do những người có các chức danh tư pháp khác nhau thực hiện, hướng tới mục đích là bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân, giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nâng cao ý thức pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội, tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác. Nghề luật hoat động trong khuôn khổ luật định và là bất khả kiêm nhiệm. Nó sử dụng các quy định pháp luật làm công cụ, phương tiện để giải quyết những vấn đề pháp lý phát inh trong đời sống xã hội, nói cách khác nghề luật hoạt động dựa trên pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp.
Trong những năm gần đây pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư cũng như các hoạt động lập pháp trong lĩnh vực này đã đạt được những thành quả tích cực. Để góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng của nghề luật sư cũng như những người hành nghề luật thì mỗi người cần phải có những nhìn nhận đúng mực về nét văn hóa tư pháp nói chung và phong cách văn hóa nói riêng của nghề luật sư. Những người hành nghề luật cần có trách nghiệm trong việc phát huy và duy trì được những điểm sáng của nghề, phải có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá của mình, giữ mối quan hệ tốt với mọi người, với đồng nghiệp.
Ngành Luật hiện đang là một trong những ngành hot được các trường Đại học đào tạo nhiều. Để thành công trên con đường mình chọn, tôi cần phải vạch ra hướng đi, những kế hoạch và không những nỗ lực để hoàn thành nó. Việc đầu tiên là tôi cần phải yêu thích nghề này và luôn tạo cho mình cảm hứng để không bị nhàm chán. Thứ hai, tôi cần phải trau dồi những kỹ năng cơ bản để hành nghề luật. Ví dụ như: kỹ năng phân tích và lập luận; kỹ năng trình bày: luyện tập phần trình bày của mình nhiều lần, lắng nghe các bài thuyết trình khác, giữ vững lập trường,..; làm việc nhóm; phân tích vấn đề và tìm kiếm pháp lý; viết và soạn thảo văn bản; đánh giá chứng cứ,...
Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư vào ngoại ngữ. Tôi đang rèn luyện kỹ năng nói và nghe tiếng anh. Mỗi ngày, tôi cần phải dành ra 30 phút để học từ vựng. Vậy ngoại ngữ có quan trọng không? Các trường đại học, cơ sở đào tạo ngành luật đều yêu cầu sinh viên có chứng chỉ tiếng anh: Toeic, Ielts,... khi tốt nghiệp thì bạn cũng đủ hiểu tiếng anh quan trọng như thế nào. Do đó, tôi không những phải cố gắng học tốt tiếng anh giao tiếp mà còn phải trau dồi tiếng anh chuyên ngành. Khi sở hữu trình độ ngoại ngữ tốt thì cơ hội nghề nghiệp của tôi sẽ mở rộng với mức lương vô cùng hấp dẫn.
Ngoài việc học tiếng anh ra, tôi cần phải đọc nhiều sách. Bởi, nó giúp tôi nâng cao kiến thức. Luật thì luôn thay đổi, tôi cần phải cập nhật liên tục. Đọc sách còn giúp tôi cải thiện sự tập trung và tăng cường khả năng tư duy, phân tích,... Đọc sách có rất nhiều lợi ích. Vì vậy, không chỉ riêng tôi, các bạn cũng cần dành ra chút thời gian mỗi ngày để tham khảo những cuốn sách hay. Đó cũng là một trong những việc mà tôi cần thực hiện để thành công định hướng “Nghề luật” mà tôi đã chọn.
Vậy còn bạn thì sao? Chúng ta hãy cố gắng theo đuổi con đường mình chọn và biết rằng sẽ có lúc ta vấp ngã nhưng chúng ta không được nản. Bởi khi bắt đầu một ngày mới cũng là lúc làm lại trên con đường thành công. Tôi hy vọng bạn sẽ đạt được kết quả như mình mong muốn.
- Trích bài viết của sinh viên Võ Thị Mỹ Duyên lớp LE20A1A -