Ngày 09/04 vừa qua, Sinh viên Khoa Luật Đại học Đông Á đã trải qua một tiết học đáng nhớ – kết hợp giữa lý thuyết pháp luật và niềm tự hào quê hương
Với mục tiêu đưa kiến thức pháp luật vào thực tiễn, mới đây, sinh viên Khoa Luật - Trường Đại học Đông Á đã có một tiết học đặc biệt, đầy màu sắc và cảm xúc trong khuôn khổ học phần Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ đề trọng tâm của buổi học là xác lập và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, một trong những lĩnh vực đang ngày càng nhận được sự quan tâm trong thời kỳ hội nhập. Điểm nổi bật của buổi học không chỉ là việc tiếp cận lý thuyết pháp luật khô khan, mà chính là cơ hội để sinh viên giới thiệu những đặc sản mang niềm tự hào quê hương mình, từ đó soi chiếu vào khía cạnh pháp lý nhằm phân tích thực trạng, hoạt động đăng ký và bảo hộ trên thực tiễn và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ.
Không khí lớp học trở nên sôi nổi khi từng nhóm sinh viên lần lượt trình bày về đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý như: tỏi Lý Sơn - “vàng trắng” của biển đảo Quảng Ngãi; nho Ninh Thuận - sản vật nổi tiếng của xứ gió Lào nắng cháy; nước mắm Nam Ô - biểu tượng văn hóa ẩm thực của Đà Nẵng; hay dừa xiêm xanh Bến Tre, nón lá Huế, cà phê Gia Lai và Buôn Ma Thuột, quế Thường Xuân, tiêu Chư Sê và hoa hồi Lạng Sơn. Mỗi sản phẩm không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời của từng vùng miền.
Điều thú vị là, thay vì chỉ dừng lại ở việc kể chuyện về đặc sản, sinh viên đã biết vận dụng kiến thức pháp luật để phân tích một cách sâu sắc về quy trình xác lập chỉ dẫn địa lý, điều kiện để được sử dụng chỉ dẫn này để gắn lên các sản phẩm, xác định vùng địa lý, đặc tính sản phẩm, tiêu chí chất lượng,... Từ đó, các bạn đã cùng nhau thảo luận về thực trạng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam hiện nay với những bước tiến rõ rệt trong chính sách, nhưng cũng còn đó nhiều khó khăn trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kiểm soát chất lượng sản phẩm, và đặc biệt là thách thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sinh viên còn thể hiện tư duy phản biện sắc bén khi đưa ra nhiều câu hỏi đặt vấn đề về khoảng trống trong pháp luật, tính khả thi của các quy định hiện hành, cũng như đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo hộ chỉ dẫn địa lý gắn liền với đặc sản địa phương. Nhiều nhóm đã đề cập đến việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, số hóa dữ liệu địa lý, đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, hay đề xuất các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ hơn nữa để phát triển những đối tượng gắn liền với thương hiệu đặc sản địa phương.
Không chỉ dừng lại ở ý nghĩa học thuật, tiết học còn trở thành một hành trình giao lưu văn hóa vùng miền, khi mỗi bạn sinh viên trở thành một “đại sứ du lịch” mang theo hương vị, màu sắc, bản sắc quê hương mình giới thiệu đến bạn bè. Qua đó, các bạn không chỉ thêm hiểu, thêm yêu vùng đất nơi mình sinh ra, mà còn có cơ hội khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng của các vùng miền khác nhau trên khắp đất nước, từ miền núi cao đến vùng biển xanh, từ đồng bằng trù phú đến cao nguyên đầy nắng gió. Có vẻ như chuyến du lịch tuy rất ngắn ngủi này làm các bạn tự hào hơn nữa về mảnh đất quê hương, đồng thời cũng tò mò muốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm những nét đặc sắc khắp mọi nơi trên mảnh đất Tổ quốc thương yêu.
Đây là một minh chứng sống động cho định hướng đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn, lấy người học làm trung tâm của Trường Đại học Đông Á nói chung và Khoa Luật nói riêng. Qua tiết học này, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức pháp luật, mà còn được rèn luyện kỹ năng phân tích, thuyết trình, phản biện và quan trọng hơn là tinh thần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế địa phương thông qua công cụ pháp lý. Bằng việc đưa các vấn đề pháp luật gắn liền với đặc sản địa phương vào chương trình học, Khoa Luật không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn, mà còn khơi dậy ý thức trách nhiệm cộng đồng và khát vọng bảo vệ tài sản trí tuệ quốc gia nơi mỗi sinh viên - thế hệ luật gia tương lai.