Chúng ta đã được nghe nói rất nhiều về quyền tự do ngôn luận, đại chúng hiểu nôm na có nghĩa là quyền được nói, được tự do phát biểu. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm hiểu kỹ về quyền tự do ngôn luận và đôi khi vô tình hoặc cố ý sử dụng quyền đó sai mục đích, có khi dẫn đến vi phạm pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta có thêm thông tin về quyền tự do ngôn luận và nhìn nhận một cách gần gũi hơn ở góc độ là sinh viên.
Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, quyền tự do ngôn luận đã được đề cập tại Điều 10 như sau: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận”. Qua đó có thể thấy quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản có lịch sử hình thành lâu đời, rất quan trọng, đáng được quan tâm nhiều hơn và được bảo đảm. Năm 1982, Việt Nam đăng ký trở thành thành viên của công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), điều này đồng nghĩa với việc pháp luật Việt Nam phải có những quy định phù hợp với CUQT, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Quyền này không chỉ được quy định bảo vệ trong Hiến pháp mà còn được chi tiết hóa trong các văn bản luật. Như vậy, có thể thấy được tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận đối với con người, đó là lý do chúng ta đang bàn về chủ đề này là cần thiết.
- Khái niệm và vài trò của quyền tự do ngôn luận
- Ngôn luận: là phát biểu, bày tỏ ý kiến một cách công khai, rộng rãi về những vấn đề chung như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
- Quyền tự do ngôn luận:
Quyền tự do ngôn luận là một quyền của con người. Theo Điều 19 CUQT về các quyền Dân sự và Chính trị quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thứcnghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”.
Về bản chất, tự do ngôn luận chính là quyền của mỗi cá nhân được biểu đạt, thể hiện và trình bày những ý tưởng, quan điểm và chính kiến của mình mà không có bất cứ sự can thiệp, tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện và trái luật.
Về mặt nội hàm, tự do ngôn luận là một quyền đa diện và đa chiều (a multi-faceted right), vốn không chỉ bao gồm quyền biểu đạt, hay được phổ biến, chia sẻ thông tin và ý tưởng mà còn bao gồm ba khía cạnh đặc trưng như: tìm kiếm, tiếp nhận và được phổ biến thông tin và ý tưởng.
- Vai trò của quyền tự do ngôn luận:
Quyền tự do ngôn luận là phương tiện để bày tỏ quan điểm, ý kiến, đóng góp qua ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chính là phương tiện truyền đạt thông tin cơ bản, dễ hiểu nhất giữa người với người để thể hiện ý chí mà con người hướng tới.
Quyền tự do ngôn luận có liên quan chặt chẽ với các quyền khác, nên nó chính là phương tiện để đạt đến mục đích tự do. Có quyền tự do ngôn luận mới bày tỏ được ý kiến, quan điểm để được ghi nhận và đạt được nguyện vọng, mong muốn được thực hiện, được tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
- Những không gian ngôn luận
Những không gian để thực hiện quyền tự do ngôn luận thường thấy như: phát biểu trực tiếp, phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, đài phát thanh, báo chí, trang thông tin điện tử), thư từ và đặc biệt là mạng xã hội.
Ngày nay, mạng xã hội xuất hiện như một công cụ để mọi người liên lạc, chia sẻ, tìm hiểu, trao đổi thông tin trong phạm vi ảnh hưởng rộng lớn thông qua các dịch vụ như bày tỏ trên trang cá nhân hướng tới công chúng; diễn đàn; trò chuyện trực tuyến; âm thanh, hình ảnh,… Và chắc hẳn rằng mạng xã hội không hoàn toàn là thế giới giải trí ảo nữa mà đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, sinh viên chúng ta, nó phản ánh tư tưởng, quan điểm của cá nhân đối với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và là làn sóng tác động mạnh mẽ đến một vấn đề chung. Mạng xã hội trở thành phương tiện để thực hiện quyền tự do ngôn luận thời nay.
Bởi vì tính chất cộng đồng, có sự tương tác cao và khả năng truyền tải, lưu trữ thông tin khổng lồ khó kiểm duyệt nên sẽ xảy ra trường hợp lạm dụng quyền con người để gây hại (Như: xúc phạm, xuyên tạc, gây ảnh hưởng đến an ninh, đạo đức, lợi ích cộng đồng). Chính vì vậy, cần nhìn nhận đúng đắn về cách thức sử dụng quyền một cách đúng đắn.
- Sinh viên với quyền tự do ngôn luận
- Quyền tự do ngôn luận trong nhận thức của sinh viên
- Quyền tự do ngôn luận là quyền con người trong khuôn khổ pháp luật
Quyền tự do ngôn luận là một nhu cầu thiết yếu trong quá trình tồn tại và phát triển của con người trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tự do ngôn luận là nền tảng để thực hiện nhiều quyền con người khác (Ví dụ: phải được nói lên để được thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội; phải được bày tỏ quan điểm, ý kiến để thực hiện quyền ứng cử, bầu cử,…). Chính vì vậy, tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người không phân biệt văn hóa, chính trị, tôn giáo, dân tộc,…hay bất kỳ yếu tố nào khác; nó có mối quan hệ chặt chẽ với các quyền con người khác, (Ví dụ: Quyền tự do ngôn luận phải được đảm bảo trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý nhà nước xã hội, quyền bất khả xâm phạm về đời tư và nhân thân,…Ngoài ra, để quyền tự do ngôn luận được thực hiện cần phải dựa trên sự tồn tại của những quyền khác như quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do và an ninh cá nhân,…)
Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận không phải quyền tuyệt đối. Theo Điều 25 Hiến pháp 2013: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Cũng theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các hạn chế đối với tự do ngôn luận phải được luật pháp quy định và chỉ được quy định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.. Tuy là quyền tự nhiên của một con người nhưng nó chỉ được tôn trọng, đảm bảo thực hiện khi được quy định bởi pháp luật. Mà pháp luật là ý chí của Nhà nước, để đảm bảo mọi sự vận hành của xã hội nằm trong khuôn khổ và an toàn đối với môi trường xã hội, chính vì lẽ đó quyền tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế để tránh tính chất gây hại cho xã hội, đe dọa đến chính trị, bất kỳ người nào khi thực hiện quyền cũng phải tuân thủ quy định pháp luật.
Là một sinh viên có văn hóa, có hiểu biết chúng ta nên sử dụng quyền tự do ngôn luận trên tinh thần văn minh, thiện chí, trong sáng để mang lại lợi ích chung.
- Tự do ngôn luận là sự tương tác giữa sinh viên và nhà trường
Tự do ngôn luận trong nhà trường là yếu tố cốt lõi phát triển giáo dục: nó là phương tiện mở rộng kiến thức và tư duy của sinh viên, cũng như kinh nghiệm của giảng viên.
Mục đích của giáo dục đại học không phải là để khẳng định niềm tin của sinh viên vào thông tin nhà trường truyền dạy mà nên hướng tới một môi trường cởi mở có tính chất vấn, đối đáp: Việc sinh viên đối đáp chứng tỏ được sự quan tâm và hiểu biết, điều đó kích thích phát triển tư duy, sáng tạo hơn là chỉ được lắng nghe. Nhưng để việc chất vấn, đối đáp được diễn ra hiệu quả thì cần có được sự tôn trọng quyền ngôn luận của sinh viên từ phía giảng viên và nhà trường. Nếu việc phát biểu đóng góp cá nhân tạo nên cảm giác chống đối, đả kích về phía nhà trường thì rõ ràng quan điểm về quyền tự do ngôn luận của sinh viên chưa được cởi mở.
Khả năng thách thức hiện thực có thể dẫn tới đổi mới phi thường: trong tự do ngôn luận, có những ý kiến khác biệt, phản ảnh khác với hiện thực tạo nên tư tưởng riêng, trước kia có rất nhiều tư tưởng bị phản đối kịch liệt nhưng hiện tại đó là sự phát triển tiến bộ, quý giá như: quyền bình đẳng giới, sự tham gia của nữ giới vào bộ máy nhà nước,..
Những cuộc đối thoại đang dần mất đi trong trường học: Không hẳn sinh viên ngày nay thụ động, mà việc tự do ngôn luận nhận lại phản ứng không thân thiện khiến nhận thức của sinh viên ngày nay gói gọn trong quan điểm thầy cô luôn đúng và sợ sai.
Sự tiến bộ trong giáo phụ thuộc vào tự do ngôn luận, suy nghĩ cởi mở, suy luận hợp lý chứ không phải tiếp nhận hết những thông tin truyền đến.
- Tự do ngôn luận là quyền nhưng ngôn luận tự do là vô ý thức
Một bộ phận trong chúng ta đang hiểu nhầm giữa quyền tự do ngôn luận và việc được phép ngôn luận tự do (nói gì cũng được). Đó là một sai lầm tệ hại và là sự biểu hiện của cách hành xử thiếu văn minh. Quyền tự do ngôn luận không có yếu tố gây hại cho người khác, cho xã hội; không có có sự xuyên tạc nhằm mục đích xấu; không phải buông ra những lời không đẹp gây suy đồi văn hóa giao tiếp,…
Tự do ngôn luận với cái đúng, thiện chí và mang tính đóng góp, chứ không nên cho đó là quyền riêng tư gây nên những tác động xấu đến xã hội và những thái độ phẫn nộ thì không mấy hay ho.
- Thực hiện quyền tự do ngôn luận dưới góc độ của sinh viên
- Mạng xã hội là không gian ngôn luận phổ biến và phù hợp nhất đối với sinh viên:
Theo số liệu của CoScroe năm 2020: giới trẻ là nhóm sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên các nền tảng như facebook, instagram,… với mục đích học tập, kết nối, giải trí,…Trong đó 5 mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất là: cập nhật thông tin xã hội (66.3%), kết bạn và liên lạc (59%), chia sẻ thông tin (54%), giải trí (49.%), công cụ hỗ trợ học tập (44,7%). Quá đó có thể thấy việc tìm kiếm và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội là một phần quan trọng trong ảnh hưởng nhận thức của sinh viên. Mạng xã hội chính là không gian quen thuộc, mà giới trẻ có thể sử dụng một cách thoải mái, thường xuyên và sẵn sàng bày tỏ quan điểm ở đó. Không gian ảo đang ngày càng đóng góp giá trị to lớn trong việc truyền tải thông tin và là nơi quyền tự do ngôn luận được thực hiện, tạo nên những hưởng ứng, những làn sóng dư luận đánh giá về sự phát biểu đó (cả tích cực và tiêu cực). Cũng chính vì không gian mạng là không gian ảo mang giá tị thật, nên quyền tự do ngôn luận ở đó cũng tạo ra nhiều dư luận trái chiều và đặc biệt là tính tự do của quyền ngôn luận có còn được đảm bảo.
- Quyền tự do ngôn luận dễ bị lạm dụng:
Nước ta ngày càng chú trọng phát triển những qu định bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, vai trò và sự ảnh hưởng của dư luận ảnh hưởng mạnh mẽ và đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn cho con người, nên một bộ phận không nhỏ đang lợi dụng sự tự do ngôn luận hướng tới những mục đích gây hại như phỉ báng, xâm phạm quyền lợi người khác, …. Đặc biệt, sinh viên là độ tuối tiếp cận thông tin quá nhiều trên mạng xã hội bao gồm cả những thông tin không qua kiểm kê chọn lọc, tính cách nhiệt tình và ưa đáp trả nên có thể vô ý hoặc cố ý có những phát ngôn gây tổn hại đển quyền lợi của người khác và cả bản thân.
- Kiến nghị
Quyền tự do ngôn luận có lợi hay hại phụ thuộc vào khả năng nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, cần có sự can thiệp để cải thiện việc thực hiện quyền một cách hợp lý hơn, mang lại lợi ích cho xã hội.
- Có chăng nên hình thành bộ quy tắc ứng xử trong thực hiện quyền tự do ngôn luận
- Nên có tính năng ngăn chặn các luồng thông tin xấu, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà bản thân người dùng có thể nhận xét đánh giá chứ không chỉ được lọc sơ sài qua công nghệ máy móc.
- Tăng cường các biện pháp giáo dục, tuyên truyền chú trọng vào việc phổ biến quyền tự do ngôn luận. Ví dụ thông qua các cuộc thi, ngoại khóa, game, hay lồng ghép vào các phong trào thanh niên,...
Phạm Phương Loan
Sinh viên lớp LE18A1B