Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Có thể khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực như:nhà nước, pháp luật, sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động, giáo dục, an ninh quốc phòng, nguồn nhân lực, việc làm và các lĩnh vực khác của xã hội. Tác động đến các chủ thể là nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội, trong đó đặc biệt là các cá nhân, nhóm yếu thế…Tác động đến mọi cấp độ quốc tế; khu vực, quốc gia, địa phương, liên quốc gia, xuyên quốc gia…Đối với lĩnh vực pháp luật, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải sự thay đổi và hình thành tư duy mới về pháp luật. Vẫn trên cơ sở nền tảng pháp luật pháp quyền, dân chủ nhưng cần hình thành và phát triển cách tiếp cận, ứng dụng về công nghệ pháp luật trên cả luật nội dung và luật hình thức[i]….

          i) Đối với pháp luật về sở hữu trí tuệ: tác động trực tiếp tới pháp luật về sở hữu trí tuệ: tác động quan trọng nhất liên quan đến lĩnh vực này là quyền tác giả đối với sản phẩm trí tuệ, đặc biệt trong việc xác định quyền tác giả hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do robot hoặc ứng dụng trí thông minh nhân tạo tạo nên. Vấn đề này hiện nay còn có những tranh luận khác nhau, Xu hướng thứ nhất cho rằng, chủ thể của quyền tác giả không còn là con người nữa mà là những trí tuệ nhân tạo có thể sáng tạo ra tác phẩm một cách độc lập với con người. Vì vậy, quyền quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo được trao cho chủ thể sáng tạo ra tác phẩm và đảm bảo được các yếu tố để được công nhận là tác giả. Các yếu tố để được công nhận là tác giả đối với trí tuệ nhân tạo sẽ phải đáp ứng được những quy định về pháp luật quyền tác giả được quy định trong pháp luật đối với tác giả là con người. Xu hướng thứ hai cho rằng, quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo thuộc về những cá nhân, tổ chức với bất kỳ sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo do chính cá nhân, tổ chức đó tạo ra hoặc sở hữu. Theo đó, đối tượng điều chỉnh của quyền tác giả sẽ thay đổi, không còn phải là những sản phẩm được tạo ra bởi con người mà là những sản phẩm được tạo ra bởi cả từ trí tuệ nhân tạo.

Ở Việt Nam, trí tuệ nhân tạo hiện đã và đang hiện diện trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực như như y tế, ngân hàng, thiết kế, hàng không hay ẩm thực, sản xuất âm nhạc…Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống liên quan đến trí tuệ nhân tạo và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về trí tuệ nhân tạo. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm sáng tạo ra các tác phẩm mang giá trị khoa học còn chưa phổ biến, chủ thể của các sáng tạo vẫn là con người, trí tuệ nhân tạo chỉ được ứng dụng như một công cụ hỗ trợ trong quá trình lao động, sản xuất. Trí tuệ nhân tạo xuất hiện trong mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, nhưng việc người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo như một thực thể thông minh để có thể sáng tạo ra một tác phẩm là điều vô cùng hiếm hoi, và có lẽ những nhà làm luật cho rằng vấn đề đó là chưa cấp thiết[ii]. Với xu hướng nhanh hiện nay việc bảo hộ quyền tác giả về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cần thiết phải được đặt ra để bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả về trí tuệnhân tạo nói riêng một cách hiệu quả nhất.

          ii) Đối với pháp luật về bảo hộ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư: cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay có những tác động không nhỏ đến các mối quan hệ của mỗi cá nhân trong xã hội ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần hình thành và phát triển cách tiếp cận mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong xây dựng và thực thi pháp luật lien quan đến vấn đề này. Trước hết là sự tác động của công nghệ đến việc hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quản lý hộ tịch và giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là rất cần thiết và kịp thời trong xã hội hiện đại ngày nay, do đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 quy định về quản lý, kết nói và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước và Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/72020 quy định về cơ sở dữ điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, đây là cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trừong mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện từ dùng chung. Bên cạnh đó là những thông tin hộ tịch khác của cá nhân cũng tiếp tục được cập nhật như đăng ký kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi...Những thông tin hộ tịch được lấy từ nguồn do cá nhân đã đăng ký, đã được số hoá, chuẩn hoá từ sổ hộ tịch, từ việc được kết nối, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này giúp cho việc tìm kiếm dữ liệu nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, thông tin cập nhật kịp thời, dễ dàng chia sẻ. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu này phải đảm bảo việc bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…đây là vấn đề không hề đơn giản trong sự phát triển mạnh mẽ của của cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay.

          iii) Đối với pháp luật tố tụng dân sự: Trong thời đại công nghiệp 4.0 việc sử dụng thiết bị điện tử kỹ thuật số, mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội… Việc sử dụng các công cụ này đã để lại các dấu vết điện tử được ghi lại, lưu truyền dưới dạng dữ liệu điện tử như logfile, IP, mã độc, domain, thời gian, không gian mạng, thư điện tử, nickname, chat, tin nhắn…đây là chứng cứ được lưu trữ lại trong bộ nhớ của các thiết bị kỹ thuật số một cách tự động, khách quan, tồn tại dưới dạng những tín hiệu điện tử, có thể nhận biết, phát hiện, bảo quản, và ghi lại vào ổ USB, đĩa CD/VCD…hoặc in ra giấy, ảnh và có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án[iii]. Hiện nay, trong lĩnh vực dân sự, các bên đương sự đã sử dụng các dữ liệu điện tử để chứng minh cho yêu cầu của mình cũng như phản đối yêu cầu, toà án cũng sử dụng dữ liệu điện tử làm nguồn chứng cứ để xác định chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Đểsử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong vụ việc cần tuân thủ những yêu cầu nhất định như: Việc thu thập dữ liệu điện tử phải hợp pháp; chứng cứ điện tử được sử dụng làm căn cứ trong quá trình tố tụng phải đảmbảo có liên quan và cần thiết, hợp pháp và tuân thủ các yêu cầu về thủ tục; bảo đảm tính xác thực, tính toàn vẹn hoặc chính xác. Một thông tin được rút ra từ dữ liệu điện tử để được coi là chứng cứ phải đảm bảo thuộc tính: tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Để đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ điện tử thì việc thu thập và đánh giá chứng cứ phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về bản chất, chứng cứ điện tử có thể bị thay đổi, hư hỏng hoặc bị phá hủy do xử lý hoặc kiểm tra không đúng cách, do đó, cần phải có biện pháp phòng ngừa để có thể thu thập được đúng chứng cứ điện tử.

Hiện nay, Điều 94 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử, khoản 3 Điều 95 còn quy định để xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử thì nguồn chứng cứ là thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tửphải được cung cấp, thu thập, đánh giá, bảo quản, bảo vệ theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 97 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về biện pháp thu thập chứng cứ của Toà án nhưng lại không quy định về biện pháp thu thập nguồn dữ liệu điện tử của Toà án cũng như trình tự, thủ tục thu thập nguồn dữ liệu điện tử. Do đó, cần thiết phải hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng toà án điện tử trong giải quyết các vụ, việc dân sự, thông qua đó sẽ nâng cao khả năng tiếp cận công lý và các thông tin của công dân, giảm bớt các công việc hành chính tại toà án, hỗ trợ thẩm phán trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động xét xử của toà án.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, yêu cầu đặt ra là phải có tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức. Trước bối cảnh này, đòi hỏi cơ quan lập pháp, cơ quan thực hiện pháp luật cần có thay đổi cách tiếp cận và tư duy pháp lý theo hướng thay đổi mạnh mẽ từ chỗ thụ động, “chạy theo” sự việc, hiện tượng xã hội và quan hệ xã hội sang chủ động, đón đầu và định hướng cho quan hệ xã hội[iv]. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các quốc gia có cơ hội phát triển thịnh vượng hơn, kết nối và hội nhập nhanh chóng, dễ dàng hơn, bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và nhà nước.

ThS. Lê Thị Thanh Lai

Phó Trưởng Khoa Luật - Trường Đại học Đông Á 


[i]Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (đồng chủ biên),Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018, tr6,57.

[ii]https://lsvn.vn/tri-tue-nhan-tao-va-nhung-tac-dong-toi-luat-so-huu-tri-tue-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0.

[iii] Trần Văn Hoà, Vấn đề chứng cứ điện tử, Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, NXb Chính trị quốc gia, 2016, Hà Nội, tr. 221.

[iv]Trương Hồ Hải, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến hoạt động lập pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 427+428, tháng 2/2021.