Ngày nay, Tiếng Anh Pháp Lý (TAPL) đã trở thành một bộ phận của ngành ngôn ngữ học hiện đại, hay được gọi là một “Tiểu Ngôn Ngữ” bởi TAPL phân biệt nó rất rõ với Tiếng Anh phổ thông về cấu trúc, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp,...
I. Tiếng Anh Pháp Lý
1. Khái niệm
Có thể nói sự phát triển vượt bậc của xã hội loài người từ một vài thập kỷ qua đã chia nhỏ các ngành học thành nhiều ngành sâu khác nhau, trong đó có Ngôn Ngữ Luật (cấu thành của ngành Ngôn Ngữ Học). Nếu như bộ xương của kinh tế học (economics) là các mô hình toán, thì với luật học là ngôn ngữ (linguistics). Tại Hoa Kỳ, các học giả gọi đó thứ Tiếng Anh Pháp Lý (Legal English) hay Ngôn Ngữ Luật (Language of the Law). Sở dĩ thứ ngôn ngữ này trở nên đặc biệt chính là vì một số đặc điểm chính như tính riêng biệt (peculiar), tính duy nhất (uniqueness), tính mơ hồ (vagueness), tính uyển chuyển (flexibility) và tính phổ quát (universality). Ngay trong nội tại của ngành Ngôn Ngữ Luật, người ta lại chia nhỏ thành Ngôn Ngữ Hợp Đồng (Contractual Language), Ngôn Ngữ Thẩm Phán (Judge-made Language), Ngôn Ngữ Luật Sư (Language for Lawyers). Trong mỗi phần ngành, người ta nghiên cứu sâu sắc về đặc điểm (character), hình thức (form), cấu trúc (structure), bản chất (nature). Trên thực tế, sự uyển chuyển về ngôn ngữ chiếm đến 99% sự thành công của việc soạn thảo một hợp đồng hay bất kỳ một văn bản mang tính pháp lý nào. Hay nói một cách hoa mỹ của các luật sư thì hợp đồng là một trò chơi về ngôn từ. Cách nói như vậy quả là không có gì ngoa nếu chúng ta nhìn một chút lại quá trình lịch sử phát triển của Ngôn Ngữ Luật (ở đây muốn nói đến cụ thể là Tiếng Anh Pháp Lý).
2. Lịch sử hình thành
Trở lại với nguồn gốc của Hệ Thống Pháp Luật Chung (hay thường gọi ngắn gọn là Thông Luật). Từ thời trước khi Vương Quốc Anh ngày nay ra đời, Thông Luật được viết bằng ngôn ngữ đời thường của các cộng đồng sống rải rác khắp các vùng thuộc nước Anh ngày nay. Thời kỳ La Mã cai trị nước Anh, ngôn ngữ của luật là tiếng Latin (khoảng năm 43 SCN). Sau khi người La Mã rời khỏi nước Anh và người Anglo-Saxon xâm chiếm và cai trị nước Anh bằng hệ thống pháp luật Anglo-Saxon, ngôn ngữ luật cổ là tiếng Giéc-manh (được coi là Tiếng Anh cổ). Sau khi người Norman xâm lược nước Anh, thì ngôn ngữ luật là tiếng Pháp, phổ biến trong khoảng hơn 3 thế kỷ. Kể từ năm 1066, tiếng Latin là ngôn ngữ chính thống của các văn bản pháp luật và mãi tới năm 1730 mới được thay thế bởi Tiếng Anh (lưu ý là Tiếng Anh của ngày đó khác khá nhiều so với Tiếng Anh hiện đại) theo Đạo Luật Tố Tụng Tại Tòa Án Công Lý (1730). Ngày nay trong Tiếng Anh Pháp Lý, chúng ta còn thấy tồn tại nhiều thuật ngữ Latin như Ipso facto (by that very fact itself), force majeure (unavoidable event), ad hoc (for a particular purpose), de facto (existence by law), bona fide (in good faith), inter alia (among other things), ultra vires (beyond powers) vvv. Chúng ta cũng thấy nhiều từ gốc tiếng pháp nay vẫn được dùng để chỉ nhiều thuật ngữ trong Thông Luật như property (properte), estate (état), chattel (chatel), executor (executor) vvv.
3. Phân loại tiếng Anh Pháp Lý Hiện Đại
Ngày nay, Tiếng Anh Pháp Lý (TAPL) đã trở thành một bộ phận của ngành ngôn ngữ học hiện đại, hay được gọi là một “Tiểu Ngôn Ngữ” bởi TAPL phân biệt nó rất rõ với Tiếng Anh phổ thông về cấu trúc, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp vv. Nó khó hiểu và phức tạp đến độ người ta đặt riêng cho nó một tên gọi là “Legalese” để “bêu rếu” giới luật sư về cách viết và giao tiếp của họ khiến người “ngoại đạo” không thể hiểu nổi họ muốn nói gì, đặc biệt là trong ngôn ngữ của hợp đồng. Mặc dù nhiều nhà ngôn ngữ cũng như nhiều học giả phê bình thứ ngôn ngữ luật mà các luật sư đang dùng là “rối rắm” và đề xuất cải cách TAPL theo hướng đơn giản hóa, trực tiếp về ngữ nghĩa để cho dễ hiểu, nhưng nhìn vào gần như 100% các hợp đồng giao dịch tại các thị trường phát triển như Anh, Hoa Kỳ, và kể cả các hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta vẫn nhận thấy một lối hành văn siêu phức tạp mà nếu không có khả năng ngôn ngữ tốt cộng với kiến thức pháp luật sâu, thì thật sự vất vả mới có thể hiểu được, hoặc tưởng là hiểu đúng, nhưng hóa ra lại đang sai mà không biết là mình sai.
Vậy tại sao TAPL lại cứ phải phức tạp như thế? Câu hỏi này thật khó trả lời, thậm chí đối với cả bản thân những người va chạm nhiều với những thứ văn bản pháp lý kiểu như vậy. Để giúp kiến giải phần nào sự phức tạp này, qua kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, nghiên cứu tại cả hai nền Thông Luật (Hoa Kỳ) và Dân Luật (Việt Nam), tôi đã thử phân loại Tiếng Anh Pháp Lý ra thành nhiều cấp độ như sau: (i) Tiếng Anh dùng trong các văn bản pháp luật chính thống (Statutes, Treaties etc.,) (ii) Tiếng Anh mà các Thẩm Phán dùng để hành văn khi soạn thảo các phán quyết (Judge-made) (iii) Tiếng Anh dùng trong các hợp đồng (Contractual Language) và (iv) Tiếng Anh dùng giao tiếp pháp lý (legal opinion memo). Sự phân chia này của tôi không cố tình chia theo mức độ phức tạp và khó (mặc dù trên thực tế có sự phân biệt này), mà chỉ để cho chúng ta thấy được một số đặc điểm của từng loại văn bản mà trong đó TAPL được sử dụng.
3.1. Tiếng Anh trong các văn bản pháp lý chính thống (Đạo luật, Hiệp định vvv)
Tiếng Anh dùng trong các đạo luật (ở đây tôi chỉ nói tới các đạo luật của Hoa Kỳ) có một đặc điểm chung là tính khái quát quá cao đến độ đậm đặc và rắc rối. Có người nói tại sao không soạn thảo luật bằng một thứ Tiếng Anh thông thường để ai đọc cũng hiểu, vì mục đích cuối cùng của luật là phải đi vào cuộc sống để một người nông dân Mỹ với trình độ học vấn trung học (high school) đọc và hiểu luật quy định gì. Đơn giản đến mức như: Vỉa hè là dành cho người đi bộ hay đèn đỏ dừng xe lại hay đến ngã tư giảm tốc độ nhìn hai phía rồi đi tiếp. Ai cũng muốn viết đơn giản như thế, nhưng không hiểu sao, các đạo luật ở Mỹ lại không được soạn theo thứ Tiếng Anh đơn giản (Plain English), mà lại cứ phải sử dụng thứ Tiếng Anh phức tạp mà đến cả sinh viên tốt nghiệp đại học đọc còn không hiểu luật muốn nói gì (chưa kể đến cả sinh viên luật còn ngồi đọc nát cả luật còn hiểu chưa rõ). Lấy một ví dụ một đoạn trong Bộ Luật Thương Mại Thống Nhất Hoa Kỳ:
“2-316. Exclusion or Modification of Warranties: (1) Words or conduct relevant to the creation of an express warranty and words or conduct tending to negate or limit warranty shall be construed wherever reasonable as consistent with each other; but subject to the provisions of this Article on parol or extrinsic evidence (Section 2-202) negation or limitation is inoperative to the extent that such construction is unreasonable…”
Tóm lại, khi một người bình thường đọc kiểu ngôn ngữ này sẽ “chau mày” vì khó hiểu. Điều này là đúng sự thật vì đến cả người hành nghề luật, nghiên cứu luật và học trường luật tại Mỹ cùng còn thấy khó hiểu. Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ có thể kể ra khi đọc luật Mỹ, chưa kể nếu chúng ta có tham vọng dịch Bộ Luật Thương Mại Thống Nhất này ra tiếng Việt để phục vụ mục đích tham khảo cho các nhà làm luật và nghiên cứu pháp luật ở nước ta. Khi không hiểu, thì chắc chắn dịch sẽ sai, và như thế thực sự là tai hại.
Sở dĩ thứ ngôn ngữ này khó hiểu đến vậy vì ẩn trong mỗi đạo luật là những triết lý, những học thuyết pháp luật đã hình thành từ lâu đời mà muốn hiểu rõ thì phải học, phải đọc lại các học thuyết đó, đọc lại các án lệ (precedents) xem quan điểm của các thẩm phán như thế nào và kết luận ra sao. Ngay trong đoạn trên, một sinh viên luật trung bình phải biết tra cứu xem thế nào là warranties, có các dạng warranties nào và ý nghĩa của chúng là gì. Ví dụ, warranties of merchantability hay warranties of fitness, và chúng là “implied” hay “express”. Mỗi dạng lại có một hậu quả pháp lý khác nhau. Hay chúng ta nhìn thay có học thuyết “parol evidence rule” trong đoạn trích trên. Đây là cả một học thuyết về hợp đồng, mà người không học không hiểu được. Đấy là còn chưa kể đến cấu trúc ngữ pháp của câu, đoạn nối tiếp nhau, đoạn này dẫn chiếu tới đoạn kia và ngược lại, bổ sung cho nhau hay loại trừ lẫn nhau. Nói tóm lại, nếu chỉ đọc trên bề mặt thì không sao hiểu được, mà phải đọc từ án lệ điển hình xem cách tiếp cận và diễn giải của các thẩm phán có uy tín mới vỡ ra được.
3.2. Tiếng Anh của Thẩm Phán
Trong cuốn sách nổi tiếng về Legal Writing (Viết Tiếng Anh Pháp Lý), Giáo sư Bryan A. Garner đã phải thốt lên rằng “Mỗi sinh viên luật phải đọc và tiêu hóa cả đống văn bản rải rác khắp nơi. Bạn phải đọc qua các bản án cổ dài tới 50 trang chỉ để nói cái có thể được nói dứt khoát trong 5 trang….”
Tôi hoàn toàn chia sẽ điều này vì bản thân tôi đã nếm trải khi đọc mãi mà không hiểu tòa muốn nói gì và kết luận gì, và nếu kết luận rồi thì tại sao lại kết luận như vậy. Đọc đi đọc lại vẫn còn chưa hiểu, cho tới khi đến lơp thảo luận với bạn học là người bản xứ thấy các bạn Mỹ cũng lơ ngơ giống mình, và thế tất cả cùng kéo nhau lên phòng giáo sư hỏi cho bằng ra. Trong đầu tôi luôn có một câu hỏi mà ngay cả Giáo sư Garner cũng chưa tìm ra lời giải thích: Tại sao các thẩm phán lại cứ thích dài dòng, và phức tạp đến vậy? Chính ông đã đi khắp nước Mỹ để phỏng vấn các thẩm phán mọi cấp độ, từ thẩm phán tòa án tôi cao tới tòa án cấp hạt, quận để tìm câu trả lời tại sao văn phong của thẩm phán lại dài dòng, lề mề, phức tạp, lan man đến vậy. Tôi không rõ các thẩm phán sẽ trả lời Garner như thế nào, nhưng tôi có nghe nói nữ thẩm phán đáng kính Ruth Bader Ginsburg đã ủng hộ phong trào TAPL đơn giản do Garner tiên phong. Lấy làm ví dụ một câu trong một quan điểm của tòa như sau:
“And in the outset we may as well be frank enough to confess, and, indeed, in view of the seriousness of the consequences which upon fuller reflection we find would inevitably result to municipalities in the matter of street improvements from the conclusion reached and announced in the former opinion, we are pleased to declare that the arguments upon rehearing have convinced us that the decision upon the ultimate question involved here formerly rendered by this court, even if not faulty in its reasoning from the premises announced or wholly erroneous in conclusions as to some of the questions incidentally arising and necessarily legitimate subjects of discussion in the decision of the main proposition, is, at any rate, one which may, under the peculiar circumstances of this case, the more justly and at the same time, upon reasons of equal cogency, be superseded by a conclusion whose effect cannot be to disturb the integrity of the long and well-established system for the improvement of streets in the incorporated cities and towns of California not governed by freeholders’ charters.”
Tòa muốn nói gì ở đây sau một đoạn văn dài dòng và cách điệu? theo Garner, tòa muốn nói “we made a mistake last time”, có thế thôi.
Nói như vậy để thấy ngay cả thẩm phán là những người được đào tạo bài bản về luật, có thể nói là những người có trình độ văn phạm siêu việt, cũng viết thực sự khó hiểu với tất cả mọi người. Có lẽ cần thêm nhiều thế hệ thẩm phán nữa thì TAPL do thẩm phán sử dụng mới được đơn giản hóa để những người có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới vụ án có thể hiểu hết được tòa nói gì.
3.3. Ngôn ngữ dùng trong hợp đồng
Nguyên tắc tự do hợp đồng (freedom to contract) được thừa nhận rộng rãi ở các nền tài phán theo hệ thống luật chung và đây chính là khoảng trống lớn nhất để các bên thương lượng và đưa vào hợp đồng bất kỳ điều khoản nào (miễn là không trái với pháp luật và đạo đức xã hội). Chính vì thế, đây là “đất diễn” của giới luật sư và đây cũng chính là chỗ để thể hiện “trò trơi pháp luật” bằng ngôn ngữ. Thật không ngoa khi nói luật sư tạo ra thứ pháp luật thứ ba, là Lawyer-Made Law (bên cạnh Hiến Pháp, Luật và Luật do Thẩm Phán tạo ra (Judge-made law dưới dạng các án lệ). Chính vì các bên đều mong muốn đưa ý đồ của mình vào hợp đồng, nên cần có sự thỏa hiệp, và do đó nhiều khi chúng ta thấy một điều khoản dài dòng, đọc không biết đâu là đầu, đâu là cuối, đâu là chủ ngữ và đâu là vị ngữ, và mệnh đề phụ này bổ nghĩa cho mệnh đề chính nào. Cấu trúc giao dịch càng phức tạp thì hợp đồng thể hiện cấu trúc đó càng phức tạp.
Để hiểu được hợp đồng, người học phải có một nền tảng về các nguyên tắc cơ bản. Không có gì xa lạ khi trong các hợp đồng chúng ta thường thấy xuất hiện các từ ngữ như terms and conditions, covenants, conditions precedent, representations and warranties, waivers, successor, survival, deed of accession etc. Thực sự đây là những thứ ngôn ngữ của nền tài phán Thông Luật đang xâm chiếm và được chấp nhận tại nhiều nền tài phán khác nhau, trong đó có Việt Nam. Tất cả những loại điều khoản này đã có khuôn mẫu được nhiều thế hệ luật sư Anh-Mỹ soạn thảo, và các luật sư sau này chỉ cần thêm bớt, chỉnh sửa theo ý đồ đàm phán thực tế của từng giao dịch. Đây là lúc mà luật sư cần thể hiện một thứ ngôn ngữ sao cho chuyên nghiệp để không quá chênh lệch với thứ ngôn ngữ “boilerplate” trong từng điều khoản. Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều dạng điều khoản như disclaimers of liability, implied and express warranties of merchantability and fitness; rồi nhiều học thuyết ẩn sau hợp đồng như paro evidence rule, promissory estoppels, statute of frauds, statute of limitations; cũng như các biện pháp khắc phục như compensatory and punitive damages, restitution (unjust enrichment) vân vân.
Tại Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các luật sư (đặc biệt là những luật sư làm việc trong môi trường hành nghề có yếu tố nước ngoài) đã dần quen với những dạng, kiểu ngôn ngữ như vậy. Những hợp đồng có yếu tố nước ngoài như Share Purchase or Subscription Agreement, Bond, Securities Lending, Guarantee, Purchasing Order, Loan Agreement, là những chỗ chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những phong cách ngôn ngữ du nhập từ hệ thống luật chung. Điều đáng nói là (có thể) những kiểu hợp đồng và ngôn ngữ này lại không được giảng dậy một cách chính quy tại bất kỳ một trường đại học luật nào ở Việt Nam. Xin thứ lỗi nếu ý kiến của tôi là chưa đúng.
3.4. Ngôn ngữ tư vấn luật
Sự phức tạp của luật và hợp đồng sẽ được đơn giản hóa nếu luật sư muốn truyền tải tới khách hàng của mình dưới dạng thư tư vấn. Trong các thư tư vấn, ngôn ngữ phải trong sáng, dễ hiểu để khách hàng không phải mất công tra cứu mới hiểu luật sư của mình nói gì. Tuy nhiên, nói là đơn giản thì thật sự dễ, những viết được đơn giản như thế thì quả là khó và một người luật sư muốn trở thành một người viết giỏi thường mất nhiều năm rèn luyện. Đây chính là một bộ môn mà các trường luật ở Anh-Mỹ rất chú trọng. Legal Writing được giảng dậy vô cùng nghiêm túc tại các trường luật và trở thành môn học bắt buộc đối với mọi sinh viên, cho dù là sinh viên bản ngữ. Một quan điểm được đánh giá cao đó là không phải cứ là người Anh-Mỹ thì chắc chắn sẽ viết Tiếng Anh giỏi, chưa kể đó là thứ ngôn ngữ của luật. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Đến ngay cả thẩm phán tòa án ở Mỹ mà còn viết bản án chưa thực sự thuyết phục, thì quan điểm này không có gì phải chứng minh.
II. Soạn thảo pháp lý
Soạn thảo pháp lý (legal writing) là một hình thức soạn thảo văn bản chuyên môn được sử dụng bởi các luật sư, thẩm phám, những nhà làm luật, và những đối tượng khác có liên quan đến luật nhằm diễn tả những đánh giá pháp lý, các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên có liên quan.
Rất nhiều các bối cảnh pháp lý khác nhau sẽ có những yêu cầu riêng về hình thức văn bản pháp lý đặc thù cần phải sử dụng cho việc giao tiếp bằng văn bản. Trong nhiều trường hợp, văn bản là phương tiện để một luật sư có thể biểu đạt những phân tích của họ về một vấn đề và tìm cách thuyết phục người khác thay mặt cho khách hàng của họ. Bất kỳ một văn bản pháp lý nào được soạn ra đều phải đáp ứng yêu cầu chung là phải súc tích, rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan đã được hình thành đối với nghề luật.
Thông thường sẽ có hai loại soạn thảo pháp lý là phân tích pháp lý (legal analysis) và phác thảo pháp lý (legal drafting). Loại 1 gồm 2 kiểu. Kiểu thứ nhất là việc soạn thảo nhằm phân tích hài hòa về một vấn đề hay sự việc pháp lý. Ví dụ của kiểu 1 này là biên bản ghi nhớ giữa các văn phòng luật sư và thư tư vấn, trao đổi gửi cho khách hàng. Để có thể đạt hiệu quả cao trong kiểu soạn thảo này, người luật sư cần phải nhạy cảm đối với nhu cầu, mức độ quan tâm và lai lịch của các bên mà họ đại diện. Một biên bản ghi nhớ cho một đối tác trong cùng một công ty luật mà ghi chi tiết định nghĩa các khái niệm pháp lý cơ bản sẽ trở nên vô nghĩa và không hiệu quả. Ngược lại, đối với các biên bản ghi nhớ với khách hàng không có kiến thức về luật pháp mà không ghi rõ các định nghĩa trên thì có thể sẽ gây nhầm lẫn và phức tạp hóa một tình huống đơn giản.
Kiểu soạn thảo pháp lý thứ hai là soạn thảo để thuyết phục người khác. Ví dụ của kiểu này là các bản tóm tắt hồ sơ phúc thẩm và các thư đàm phán viết thay mặt cho khách hàng. Luật sư phải thuyết phục người đọc mà không sử dụng những ngôn ngữ mang tính chống đối hay thiếu tôn trọng, hoặc bằng cách làm phí thời gian của bên liên quan với những thông tin không cần thiết. Khi trình những văn bản này tới tòa hoặc một cơ quan hành chính nhà nước, luật sư phải tuân thủ theo các thể thức văn bản quy định bắt buộc.
Bên cạnh loại 1, còn có loại 2 là hình thức soạn thảo các văn bản pháp lý như hợp đồng hay di chúc. Đối với những thể loại văn bản này, thường sẽ có những mẫu văn bản cụ thể có sẵn để áp dụng, tuy nhiên việc soạn ra các văn bản đặc biệt áp dụng mẫu cho thực tế của sự việc cũng thường được yêu cầu. Soạn thảo pháp lý không tốt có thể sẽ dẫn đến những vụ tranh chấp không cần thiết và ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng[1].
Với những vai trò quan trọng được nêu ra trên đây, có thể thấy vị trí của việc soạn thảo pháp lý đối với quá trình hành nghề của những người trong nghề luật, đặc biệt là luật sư. Vì vậy, việc giảng dạy và bồi dưỡng các kỹ năng về soạn thảo pháp lý là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với những đối tượng là sinh viên luật, những luật sư mới hành nghề, và ngay cả đối những người làm trong lĩnh vực luật pháp.
Để có thể có cái nhìn toàn diện và tiên tiến nhất về cách thức giảng dạy các kỹ năng soạn thảo pháp lý, dưới đây là phần tìm hiểu về hoạt động giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý tại 3 quốc gia tiêu biểu: Mỹ, Anh, Nhật Bản. Trên cơ sở những thông tin tìm được, đây sẽ là tiền đề để xây dựng nên một chương trình bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo pháp lý tại Việt Nam có chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn nghề luật.
Khác với các khóa đào tạo tiếng Anh pháp lý, khóa đào tạo kỹ năng soạn thảo pháp lý là khóa học không chỉ dành cho sinh viên quốc tế mà còn là khóa học cần thiết dành cho chính các sinh viên luật người bản địa đang theo học tại trường.
III. Hoạt động giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý tại Mỹ
Theo mô hình đào luật J.D (Jurist Doctor), các kỹ năng nghề nghiệp được chú trọng đào tạo trong chương trình đào tạo 3 năm. Kỹ năng soạn thảo pháp lý là kỹ năng thách thức nhất đối với sinh viên luật và thường là môn học bắt buộc đối với sinh viên.
1. Trường luật – Đại học Harvard
Trường luật – Đại học Harvard là nơi đào tạo luật danh giá nhất thế giới theo đánh giá xếp hạng của trang Top Universites. Tại Harvard, sinh viên được tiếp cận với các khóa học về soạn thảo pháp lý từ năm đầu đại học với Chương trình Viết và Tra cứu pháp lý (The First-Year Legal Research and Writing Program)[2]. Chương trình này là một trình tự các bài tập liên quan đến nhau nhằm cung cấp cho sinh viên phương pháp một luật sư tiến hành nghiên cứu pháp lý, phân tích và định khung hình phạt, và cách trình bày chúng bằng văn bản và trong tranh luận. Khi học khóa học này, sinh viên sẽ được tham gia các buổi thảo luận được tổ chức hàng tuần với sự tham gia của giảng viên và các trợ giảng. Học viên sẽ tự chuẩn bị các bản thảo các bản ghi nhớ, và các tài liệu khác trên giấy hoặc trên máy tính để tiện trao đổi trong buổi thảo luận. Ngoài khóa học trên, sinh viên còn có thể đăng ký khóa học bổ sung (không bắt buộc) về Viết Pháp lý: Nâng cao (Legal Writing: Advanced)[3] hay Phân tích, Viết, Tra cứu pháp lý II (Legal Research, Writing and Analysis II)[4]. Trong những khóa học này, sinh viên tiếp tục được trau dồi khả năng viết và phân tích các văn bản pháp lý, kỹ năng tra cứu thông qua việc chuẩn bị các biên bản ghi nhớ pháp lý, tiếp cận với các nguồn tài nguyên tra cứu pháp lý, và thực hành việc soạn thảo các văn bản thường dùng trong hoạt động nghề nghiệp của luật sư.
2. Đại học Luật Washington[5]
Kỹ năng soạn thảo pháp lý được đưa vào giảng dạy trong Chương trình Phân tích, Tra cứu, và Viết pháp lý (LARW) cho sinh viên năm nhất và được thiết kế để dạy cho sinh viên nguyên lý nền tảng về hệ thống pháp luật Mỹ và giới thiệu các kỹ năng cần thiết để phục vụ tư vấn hiệu quả và bào chữa trong hệ thống đó. Mỗi phần LARW giúp học sinh đạt được các mục tiêu và mục đích đó.
Trong kỳ học thu đông, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ khoảng 25 học sinh. Mỗi giảng viên sẽ phát triển một loạt các vấn đề và hội thảo thực hành được thiết kế để dạy các kỹ năng phân tích, nghiên cứu, và viết pháp lý cho sinh viên. Ngoài việc phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các giảng viên, sinh viên còn phải nhờ cậy các sinh viên năm thứ hai và thứ ba để học hỏi kinh nghiệm và thay đổi mình từ nghiệp dư thành chuyên gia trong ngành văn bản quy phạm pháp luật. Tất cả học sinh tham gia vào một loạt các dự án nghiên cứu và viết trong hai quý đầu năm, bao gồm cả việc soạn thảo các hình thức khác nhau của biên bản ghi nhớ nghiên cứu. Học sinh cũng có thể có cơ hội để dự thảo biên bản ghi nhớ tư pháp băng ghế dự bị hoặc ý kiến, thư từ khách hàng, điều khoản hợp đồng, hoặc biện hộ pháp lý.
Ngoài ra, tất cả các sinh viên phải tiếp tục theo học các khóa học về tra cứu và soạn thảo pháp lý trong những năm tiếp theo đại học để có thể hoàn thành các yêu cầu về viết pháp lý nâng cao để có thể được xét công nhận lấy bằng J.D. Các khóa học nâng cao về viết pháp lý cho sinh viên năm hai và năm ba sẽ tập trung vào bào chữa bằng văn bản, viết bài phân tích và nghiên cứu. Thêm vào đó, trường còn tổ chức một Trung tâm về soạn thảo pháp lý trong trường với sự tham gia của chính các sinh viên năm hai và ba trong trường dưới sự dẫn dắt của Khoa Viết & Nghiên cứu Phân tích Pháp lý. Có thể nói, Trườn luật – Đại học Washington cung cấp cho sinh viên của mình rất nhiều sự lựa chọn và mở ra các cơ hội cho sinh viên được học, trau dồi và thực hành kỹ năng soạn thảo pháp lý khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
3. Đại học luật Seattle (Mỹ)[6]
Chương trình soạn thảo pháp lý tại Đại học luật Seattle được đánh giá là chương trình soạn thảo pháp lý tốt nhất tại Mỹ theo xếp hạng của trang U.S. News. Chương trình này là một bộ môn bắt buộc cho sinh viên từ năm nhất đại học bao gồm các môn sau:
- Soạn thảo pháp lý 1: Tra cứu, Phân tích, Soạn thảo (4 tín chỉ) (Legal Writing I: Research Analysis, Writing)
- Soạn thảo pháp lý 2: Bào chữa bằng lời và bằng văn bản (3 tín chỉ) (Legal Writing II: Written & Oral Advocacy)
- Chuyên đề Nghiên cứu Viết Nâng cao (2 tín chỉ) (Advanced Writing Seminar)
- Thực hành Soạn thảo (1 tín chỉ)
- Nghiên cứu Pháp lý Nâng cao (2 tín chỉ)
Khoa Soạn thảo pháp lý tại Đại học Seattle sử dụng cả phương pháp trong và ngoài lớp học nhằm nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên. Mỗi lớp học sẽ được trang bị hệ thống thiết bị tân tiến nhất cho phép giáo viên sử dụng máy tính và tất cả các loại văn bản giấy tờ bản cứng để trình chiếu cho sinh viên. Ngoài ra, các phòng học còn được lắp đặt hệ thống mạng internet không dây tốc độ cao. Sinh viên có thể gửi bài làm nháp của mình ngay và lập cho giáo viên thông qua bằng email để từ đó giáo viên có thể sử dụng chính bài của sinh viên và trình chiếu trên hệ thống máy chiếu, và hệ thống này cũng giúp sinh viên và giáo viên trao đổi được thuận tiện và nhanh chóng đối với các tiết học dạy từ xa.
Ngoài việc lên lớp, tất cả các công việc liên quan đến chấm điểm và phê nhận xét đều được thực hiện một cách điện tử: sinh viên nộp bài làm của họ bằng email cho giáo viên, và giáo viên chèn các góp ý, bình luận của mình trực tiếp vào bản mềm bài làm và gửi lại cho sinh viên. Ngoài ra, bất kỳ một lớp soạn thảo pháp lý nào đều có website riêng, được sử dụng để tải lên nội dung bài học và bài tập về nhà cho sinh viên, là một cầu nối cho sinh viên biết tới các website hữu ích khác, và thông báo lịch hội thảo, tọa đàm cho sinh viên.
IV. Hoạt động giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý tại Anh
Tương tự như Mỹ và hầu hết các quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung, Anh cũng sử dụng hệ thống Thông luật. Tại Anh, kỹ năng soạn thảo pháp lý đa phần không được các trường đưa vào chương trình khung như là một môn học bắt buộc đối với các sinh viên đại học, mà các sinh viên chỉ được học kỹ năng viết pháp lý trong quá trình học các khóa học ngắn hạn khác như Tiếng Anh pháp lý hay môn Luật EU và Viết báo cáo (European Union Law and Report Writing) ở năm đầu đại học. Tuy nhiên, việc giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý lại được quan tâm và chú trọng nhiều hơn cho các đối tượng học Thạc sĩ Luật (LLM) hay chương trình Thực hành nghề luật LPC (Legal Practice Course).
1. Khoa luật – Đại học Cambridge[7]
Khoa luật Đại học Cambridge là một trong những trường luật hàng đầu trên thế giới, đứng thứ 2 trên thế giới theo xếp hạng của trang Top Universities. Đại học Cambridge còn là nơi cung cấp chương trình đào tạo và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh pháp lý ILEC (International Legal English Certificate) cho luật sư và những người học nghề luật trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các khóa học về soạn thảo pháp lý lại không phải là một trong những trọng tâm được giảng dạy riêng thành một khấu phần trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Trong chương trình giảng dạy cho sinh viên đại học, kỹ năng soạn thảo pháp lý chỉ được giảng dạy kết hợp trong khấu phần về Phương pháp và Các Kỹ năng pháp lý (Freshfields Legal Skills and Methodology) của sinh viên năm thứ nhất. Ngoài ra, kỹ năng soạn thảo pháp lý cũng chưa được cụ thể thành một khóa học riêng trong các chương trình học khác tại trường.
2. Trường luật - Đại học Westminster[8]
Trường luật – Đại học Westminster là một ngôi trường có danh tiếng trong việc đào tạo, bồi dưỡng nghề cho các luật sư tư vấn và chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật với việc cung cấp cho người học các kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành một luật sư thành công trong xã hội với sự quốc tế hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay. Như phần lớn các trường luật khác tại Anh Quốc, Đại học Westminster cung cấp chương trình đào tạo kỹ năng soạn thảo pháp lý trong chuỗi các kỹ năng mà sinh viên phải học trong chương trình Thực hành nghề luật LPC và Thạc sĩ luật LLM. Kỹ năng viết và soạn thảo pháp lý sẽ được giảng dạy cùng với nhóm các kỹ năng khác như Nghiên cứu pháp lý thực hành, Phỏng vấn và Tư vấn, và kỹ năng bào chữa.
V. Kết luận
Kỹ năng soạn thảo pháp lý là một trong những kỹ năng quan trọng của luật sư để thể hiện các ý tư vấn của mình đối với khách hàng, đại diện khách hàng để làm việc với tòa án và với các đơn vị có liên quan. Qua những tìm hiểu sơ bộ về việc đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo pháp lý tại Anh và Mỹ, hai quốc gia tiêu biểu về nghề luật trên thế giới, có thể thấy rằng kỹ năng này được chú trọng nhiều hơn tại Mỹ với những chương trình, khóa học giảng dạy cụ thể về phương pháp viết các văn bản pháp lý một cách đúng và đạt hiệu quả cao nhất.
Việc giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý ở mức độ cơ bản thường sẽ đi cùng với các kỹ năng về phân tích và tra cứu pháp lý nhằm giúp sinh viên có cơ hội để tiếp cận các mẫu văn bản pháp lý đã có sẵn, cách các luật sư, các nhà soạn thảo pháp lý đã viết, sau đó phân tích các văn bản đó và tìm ra hướng phù hợp nhất để soạn thảo các văn bản pháp lý sau này. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các nhóm học, các buổi thảo luận để sinh viên có cơ hội trao đổi bài viết của mình với bạn học và các sinh viên khóa trên, từ đó rèn luyện tư duy viết và kỹ năng viết pháp lý của mình./.
[1] https://www.law.cornell.edu/wex/legal_writing
[2] http://hls.harvard.edu/dept/lrw/
[3] http://hls.harvard.edu/aca…/curriculum/catalog/default.aspx…
[4] http://hls.harvard.edu/aca…/curriculum/catalog/default.aspx…
[5] https://www.law.washington.edu/Writing/
[6] http://www.law.seattleu.edu/…/legal-writin…/program-overview
[7] http://www.undergraduate.study.cam.ac.uk/courses/law
[8] http://www.westminster.ac.uk/…/…/d09fplpc-legal-practice-llm
Tác giả: Nguyễn Bá Trường Giang
Tác giả từng học kinh tế tại Cornell và luật tại Đại học Boston (Mỹ), anh là cựu luật sư cao cấp của Baker & McKenzie.