Tác giả: Luật sư Lê Văn Dụng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Share Law
1. Pháp chế doanh nghiệp là một nghề
Pháp chế doanh nghiệp, ở khía cạnh nghề nghiệp là một hướng đi, một sự lựa chọn mới cho người học luật, muốn tìm một công việc liên quan đến chuyên môn bên cạnh các nghề luật truyền thống khác như: Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Công chứng viên…
Gọi pháp chế doanh nghiệp là sự lựa chọn mới, vì chậm hơn rất nhiều so với các nước phát triển, nghề pháp chế doanh nghiệp chỉ mới được biết đến rộng rãi trong những năm gần đây, khi mà sự chuyên môn hóa của các doanh nghiệp Việt ngày càng cao và việc tuân thủ pháp luật ngày càng được doanh nghiệp chú trọng. Trước đây, chỉ có các ngân hàng mới có bộ phận, nhân sự phụ trách pháp chế để bảo đảm an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. Còn hiện tại, một doanh nghiệp nhỏ, nhân sự không đông, nguồn vốn không lớn, cũng sẵn sàng dành một định biên nhân sự cho vị trí pháp chế doanh nghiệp. Tuy vậy, khi nói đến nghề pháp chế doanh nghiệp, phần đông mọi người vẫn sẽ tròn xoe mắt hỏi: Pháp chế doanh nghiệp là nghề gì?
Có thể nói đơn giản, pháp chế doanh nghiệp là vị trí có vai trò tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ cơ quan quản lý, điều hành trong doanh nghiệp và thực hiện các công việc phát sinh liên quan đến pháp luật trong doanh nghiệp. Nhiều người sẽ hỏi, chỉ với mấy vai trò đó, tại sao lại xem pháp chế doanh nghiệp là một nghề, mà không phải chỉ đơn thuần là những công việc mà các chức danh nghề nghiệp khác có thể kiêm nhiệm? Chẳng hạn, một thư ký giám đốc, được đào tạo các kiến thức cơ bản về pháp luật, thì cũng có thể thực hiện được đó thôi?
Xin thưa, để đảm nhận công việc pháp chế doanh nghiệp, nhân sự phụ trách được yêu cầu không những phải hiểu biết quy định pháp luật, mà còn phải có kỹ năng thực hiện các công việc được giao một cách thành thạo. Công tác pháp chế chuyên sâu nhiều hơn về pháp luật, chủ yếu tập trung vào các công việc nghiên cứu, tư vấn, thiết lập quy định và thực hiện công việc chuyên môn, đảm bảo thực thi đúng quy định, nên công tác pháp chế chủ yếu tập trung vào các hoạt động tư vấn pháp luật trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng các quy định nội bộ và giám sát thực hiện quy định, nhắm đảm bảo tuân thủ.
Chẳng hạn, công việc tư vấn của pháp chế doanh nghiệp, không đơn thuần là tư vấn các quy định pháp luật, mà còn phải tư vấn các giải pháp, phương án cho từng vấn đề doanh nghiệp gặp phải, chỉ ra được cho doanh nghiệp thấy các ưu thế, bất lợi rồi đề xuất giải pháp, phương án tốt nhất để doanh chủ lựa chọn. Phức tạp như vậy, nên công tác pháp chế doanh nghiệp ngày nay được xác định là công việc mang tính chuyên môn cao, phải giao cho nhân sự chuyên trách, thì mới bảo đảm chất lượng của công việc, hạn chế thấp nhất rủi ro pháp, tăng tối đa hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.
Ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường chỉ cần một đến hai nhân viên phụ trách pháp chế, có thể kiêm nhiệm công tác nhân sự, công tác hành chính hoặc trợ lý kinh doanh. Đối với các công ty có quy mô lớn, công tác pháp chế thường được giao chuyên biệt cho một bộ phận, phòng/ban, được phụ trách bởi một nhóm người, tổ chức phân cấp, phân công rõ ràng về công việc, không kiêm nhiệm các công việc khác ngoài chuyên môn.
Như vậy, nhìn ở khía cạnh công việc trong doanh nghiệp, pháp chế có thể sánh với các nghề khác làm việc trong doanh nghiệp, như kế toán, tài chính, kỹ sư xây dựng, nhân sự … Hơn nữa, tại Việt Nam hiện nay, nếu các luật sư hành nghề tại doanh nghiệp với vị trí công việc pháp chế, thì pháp luật về luật sư cũng thức nhận đó là hình thức hành nghề với tư cách cá nhân, một hình thức hành nghề của luật sư, bên cạnh hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư. Do vậy, pháp chế doanh nghiệp có thể được xem là một nghề nghiệp, một nghề để cử nhân luật lựa chọn.
2. Pháp chế doanh nghiệp làm gì?
Không có một khuôn mẫu nào mô tả chi tiết về công việc pháp chế doanh nghiệp. Công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp tại mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, tùy theo đặc thù của từng doanh nghiệp: về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh (bất động sản, xây dựng, dược phẩm… ), lĩnh vực hoạt động (sản xuất, thương mại, dịch vụ …), tùy theo loại hình doanh nghiệp, quy mô hoạt động (công ty TNHH, công ty cổ phần, nhóm công ty, tập đoàn…), tùy ý chí của chủ doanh nghiệp, người quản trị, điều hành doanh nghiệp…
Tuy nhiên, do chi phối bởi yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, nên công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp sẽ có những nhóm công việc chung nhất định. Thông qua nghiên cứu các quy định pháp luật về kinh doanh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, khảo sát các thông tin tuyển dụng nhân sự pháp chế, cũng như nghiên cứu các quy định nội bộ cửa các doanh nghiệp về mô tả công việc cho bộ phận pháp chế, nhân sự phụ trách pháp chế, tác giả đưa ra mô tả công việc thường thấy của nhân viên pháp chế doanh nghiệp như sau:
(i) Công việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, là công việc thường xuyên nhất, phổ biến nhất khi làm pháp chế, chủ yếu liên quan đến tư vấn cho doanh nghiệp, người quản trị, điều hành doanh nghiệp, các phòng ban và nhân sự của doanh nghiệp, gồm: tư vấn mọi vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp khi được yêu cầu: về thuế, tài chính, vay, thế chấp tài sản, chứng khoán, đầu tư, lao động, mua bán tài sản, chuyển nhượng cổ phần …
(ii) Công việc pháp chế nội bộ, thường liên quan đến tư vấn, hỗ trợ hoạt động quản trị, điều hành nội bộ tại doanh nghiệp, như là: tư vấn, hỗ trợ việc xây dựng quy định nội bộ và kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định này theo yêu cầu của pháp luật; tư vấn trình tự, thủ tục, nội dung, tham gia hỗ trợ soạn thảo các tài liệu, văn bản tổ chức các cuộc họp hoặc tổ chức lấy ý kiến để phục vụ cho việc ra quyết định trong doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn trong việc thử việc, ký kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động, thực hiện các thủ tục hành chính về lao động, thực hiện chế độ bảo hiểm, phúc lợi cho người lao động…; hỗ trợ soạn thảo, rà soát các văn bản doanh nghiệp cần ban hành trong hoạt động hàng ngày như: công văn, quyết định, thông báo, tờ trình, biên bản…
(iii) Công việc liên quan đến tư vấn hợp đồng, có thể kể ra gồm: tham gia vào các buổi họp cùng giám đốc, người đại diện công ty với đối tác, khách hàng về việc làm ăn, kinh doanh, phát triển dự án, trao đổi về giao dịch thương mại; tư vấn, soạn thảo hoặc hỗ trợ soạn thảo các dự thảo hợp đồng phục vụ cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh, giao dịch; rà soát, hiệu chỉnh: các bản dự thảo hợp đồng do các đối tác, khách hàng, các bộ phận chuyên môn gửi, cấp dưới trình; đại diện doanh nghiệp chủ trì, tham gia đàm phán hợp đồng, tham gia các buổi họp, làm việc liên quan đến thương lượng hợp đồng; phụ trách sau cùng việc rà soát các hợp đồng trước khi trình ký; tham gia tư vấn, trực tiếp dự các buổi họp về triển khai thực hiện hợp đồng: thanh toán, kiểm điểm tiến độ thực hiện công việc, thủ tục thực hiện công việc theo hợp đồng …; phụ trách chính trong việc thực hiện các thủ tục, cũng như đàm phán xử lý việc sửa đổi, chuyển nhượng hợp đồng, giải quyết các vấn đề phát sinh, chấm dứt, thanh lý hợp đồng.
(iv) Tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp, bao gồm các công việc như: nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp có khởi kiện hay không, tư vấn phương án, lập tờ trình xin ý kiến về việc khởi kiện; sau khi được duyệt cho khởi kiện thì chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, soạn thảo đơn khởi kiện, các giấy tờ, tài liệu cần ký để kèm theo đơn khởi kiện; nộp hồ sơ khởi kiện, thực hiện các thủ tục để Tòa án/Trọng tài thương mại thụ lý vụ tranh chấp; chuẩn bị tham gia các hoạt động tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án: yêu cầu thu thập chứng cứ, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại Tòa án, tham gia phiên tòa tại Tòa án/phiên họp giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại; tư vấn, thực hiện thủ tục kháng cáo bản án/quyết định của Tòa án và tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm; tham gia yêu cầu thi hành án đối với bản án/quyết định của Tòa án/phán quyết của Trọng tài thương mại.
(v) Các loại việc khác liên quan, như: đại diện thực hiện các công việc ngoài tố tụng: thủ tục xin cấp các loại giấy phép đại diện cho doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước đối với bất kỳ việc gì khi có yêu cầu; cập nhật văn bản pháp luật, chính sách pháp luật mới của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp …
Tóm lại, làm nhân sự pháp chế cho doanh nghiệp, tùy là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, tùy được phân công đảm trách một phần hay toàn bộ các công việc trên, xét đến cùng, nhân sự pháp chế phải “tham chiến” hầu hết các “mặt trận” mà doanh nghiệp tham gia liên quan đến pháp luật.
3. Chuẩn bị gì để làm pháp chế doanh nghiệp?
Để biết cần chuẩn bị những gì, chúng ta cần phải biết trước về các yêu cầu mà một nhân sự làm pháp chế doanh nghiệp cần phải đáp ứng trước đã. Các yêu cầu cơ bản của nhân sự làm pháp chế doanh nghiệp có thể liệt kê ra như sau:
Về kiến thức chuyên môn ngành luật. Sinh viên muốn theo nghề pháp chế doanh nghiệp cần nắm các kiến thức cơ bản của pháp luật theo tiêu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cử nhân luật, nắm hệ thống các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm luật và các văn bản hướng dẫn thi hành (kể cả các văn bản đã được thay thế hiệu lực nhằm sử dụng tư vấn, giải quyết các công việc phát sinh tại thời điểm văn bản đã được thay thế còn hiệu lực), và nắm vững các thủ tục và thực hiện được các thủ tục cơ bản mà pháp luật yêu cầu. Những ngành luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp có thể kể ra gồm: luật doanh nghiệp, luật thuế, luật về tài sản, luật về hợp đồng, luật về bất động sản (đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh bất động sản …), luật về giao dịch bảo đảm … Sau này khi đi làm, tùy doanh nghiệp kinh doanh ngành nào, thì khi ấy nghiên cứu thêm pháp luật quy định cụ thể về ngành nghề của doanh nghiệp đó, ví dụ: dược, xuất khẩu đồ gỗ, chế biến thủy sản, khách sạn, nhà hàng…
Về kỹ năng thực hiện công việc. Là người đã kinh qua gần 7 năm làm pháp chế doanh nghiệp từ vị trí nhân viên, phát triển đến vị trí quản lý, trải qua các công việc làm chuyên môn, đến xây dựng bộ phận pháp chế, tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự, mô tả công việc, xây dựng quy chế hoạt động, giao việc, kiểm tra, thẩm định kết quả công việc và đưa ra ý kiến tư vấn cuối cùng, cũng như với công việc hiện nay với tư cách là huấn luyện viên kỹ năng làm pháp chế doanh nghiệp, bản thân tôi nhận thấy pháp chế doanh nghiệp là một nghề, có những yêu cầu đặc thù, và muốn thành công trong công việc này, cần có kỹ năng làm việc nhất định.
Xuất phát từ yêu cầu của pháp luật và nhu cầu cần đảm bảo an toàn trong hoạt động của doanh nghiệp từ giới chủ, mà phạm vi công việc của nhân sự pháp chế, dù bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau theo đặc thù của từng doanh nghiệp, nhưng vẫn có những công việc pháp chế mà tại doanh nghiệp nào cũng phát sinh. Chính điều đó đã đặt ra cho nhân sự phụ trách pháp chế doanh nghiệp phải có được các kỹ năng làm việc nhất định, cụ thể là các kỹ năng sau đây: (i) kỹ năng tư vấn, gồm các kỹ năng tiếp xúc với người giao việc trong doanh nghiệp, kỹ năng xác định yêu cầu tư vấn, kỹ năng tìm kiếm và giải quyết các vấn đề pháp lý trong phạm vi tư vấn, kỹ năng viết một báo cáo pháp lý cho người giao việc để hoàn tất yêu cầu công việc (yêu cầu tư vấn) đó; (ii) kỹ năng tư vấn về hợp đồng, bao gồm các kỹ năng như: kỹ năng tư vấn lựa chọn loại giao dịch, kỹ năng soạn thảo, rà soát hợp đồng, kỹ năng hỗ trợ việc giao kết, thực hiện, chấm dứt, thanh lý hợp đồng; (iii) kỹ năng tư vấn nội bộ, gồm kỹ xây dựng các văn bản mang tính “lập quy” trong doanh nghiệp: quy trình, quy định, quy chế, kỹ năng soạn thảo văn bản với các loại hình văn bản trong doanh nghiệp, bao gồm kỹ năng xây dựng nội dung văn bản và kỹ năng trình bày thể thức văn bản; (iv) kỹ năng tư vấn cho doanh nghiệp phương án xử lý khi phát sinh tranh chấp, kỹ năng đại diện cho doanh nghiệp tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, gồm kỹ năng trình bày, kỹ năng tranh luận trực tiếp…; (v) ngoài ra, người đảm nhận công tác pháp chế còn có các kỹ năng chung như kỹ năng xây dựng, quản lý, cập nhật và lưu trữ các hồ sơ pháp lý, văn bản pháp luật…
Về các kỹ năng mềm khác. Làm công tác pháp chế, tùy môi trường, tùy doanh nghiệp, nhưng đa phần đó là các công việc áp lực cao, vì yêu cầu phải nhanh, hiệu quả, chính xác cho những công việc hàng ngày vốn không khi nào đơn giản về pháp lý. Để vượt qua được áp lực, hoàn thành công việc được giao, đảm bảo nhu cầu thăng tiến, người làm công tác pháp chế phải tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết, gồm: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng xây dựng và duy trì quan hệ công việc; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng quản lý thời gian …
Về ngoại ngữ và tin học. Ngoại ngữ, nhất là Tiếng Anh, rồi đến các thứ tiếng có thị trường kinh doanh lớn, là thế mạnh để những nhân sự sử dụng thành thạo nó. Nếu xem việc đi làm, việc kiếm sống, phát triển bản thân là bán sức lao động thì sức lao động trở thành hàng hóa trên thị trường lao động, việc thành thạo ngoại ngữ giúp người sở hữu khả năng này có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn, ngoài doanh nghiệp trong nước, họ còn có cơ hội được làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thương mại quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, giúp họ bán sức lao động của mình với giá trị thu về cao hơn so với người không sở hữu khả năng này. Bên cạnh ngoại ngữ, tin học, nhất là kỹ năng sử dụng máy tính trong việc soạn thảo văn bản là “kỹ năng sống còn” của nhân sự phụ trách các công việc văn phòng, nhất là đối với người làm công tác pháp chế doanh nghiệp, bởi công việc hằng ngày của nhân sự pháp chế luôn kết thúc bằng việc hoàn thành các sản phẩm cuối cùng của họ thể hiện ở dạng văn bản như: hợp đồng, quy định, báo cáo, các văn bản phải soạn để phục vụ quản trị, điều hành doanh nghiệp …
Khả năng sử dụng máy tính không tốt, hoặc chưa sử dụng tốt vào công tác soạn thảo văn bản, truy cập tìm kiếm tài liệu thì ứng viên bị hạn chế rất lớn trong cạnh tranh công việc. Ngoài ra, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp còn phải thành thạo kỹ năng sử dụng excel để tính toán, lập các bảng biểu, các phương án, báo cáo, quản lý công việc hàng ngày …
Để trang bị cho bản thân những yêu cầu cơ bản mà nhân sự pháp chế doanh nghiệp phải có như đã nói ở trên đây, nhất là kiến thức pháp luật cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp và kỹ năng làm việc, sinh viên hãy bắt đầu từ sớm nhất có thể, để chuẩn bị từ khi còn đi học trên giảng đường, và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng này sau khi tốt nghiệp, trong quá trình đi làm. Quá trình học và tích lũy kiến thức, kỹ năng là không ngừng nghỉ, cho đến khi không còn làm việc nữa thì mới dừng lại.
Về kiến thức pháp luật, khi còn ở trường đại học, thông qua việc học các môn học, sinh viên tăng cường việc nghiên cứu văn bản luật thực định, hệ thống các văn bản để có cái nhìn toàn cảnh các ngành luật trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Sinh viên có thể tích lũy thêm hiểu biết cho mình về việc vận dụng luật qua các loại sách chuyên khảo.
Để có kỹ năng làm việc, các bạn sinh viên có thể tích lũy bằng cách học kinh nghiệm từ người khác thông qua việc tham gia các khóa học về đào tạo kỹ năng ở trường, các khóa đào tạo ở các trung tâm đào tạo kỹ năng do doanh nghiệp thực hiện. Sinh viên có thể tự xây dựng kế hoạch và thực hiện các đợt thực tập, học việc tại Tòa án, công ty Luật/VPLS, các doanh nghiệp. Việc học kỹ năng còn có thể thực hiện qua việc tự nghiên cứu các sách viết về kỹ năng hành nghề, kỹ năng công việc, để tích lũy các kỹ năng. Nếu kết hợp việc học kỹ năng từ ba cách nêu trên thì sẽ nhận được thành quả “tròn trịa” hơn. Ví dụ, đọc sách hướng dẫn kỹ năng, nhưng cần thực tiễn để trải nghiệm, và thực tập giúp cho người đọc sách đạt được yêu cầu này. Học kỹ năng, giảng viên có kinh nghiệm, hường dẫn, chia sẻ phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết công việc, có thực hành bằng hồ sơ thực tế, nhưng gói gọn trong khóa học với 1-2 tình huống chỉ là điển hình, sau khi học kết hợp thực tập thì trên nền tảng cách làm đã biết, trải nghiệm qua nhiều vụ việc khác nhau, ở các lĩnh vực luật khác nhau, giúp kỹ năng được tôi luyện kỹ hơn, hiểu biết rộng hơn.
4. Những con đường đến với nghề pháp chế doanh nghiệp
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, khi tuyển dụng, họ yêu cầu nhân sự làm pháp chế doanh nghiệp phải là người đã tốt nghiệp cử nhân luật. Vậy nên, cử nhân luật là điểm xuất phát trên con đường đến với nghề này. Qua thời gian dài làm pháp chế, cùng với là 3-4 năm gần đây, khi tham gia vào việc đào tạo kỹ năng pháp chế doanh nghiệp, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều luật sư, nhân sự làm pháp chế doanh nghiệp. Qua giao lưu, trao đổi, tôi thấy rằng, tùy lựa chọn của mỗi người, tùy cơ duyên, mà mỗi người có một “con đường” riêng để đến với nghề pháp chế.
Có người ra trường là được tuyển dụng làm nhân sự pháp chế ngay, rồi gắn bó với công việc luôn. Cũng có người ra trường thì làm việc cho các vpls/công ty luật, tích lũy kỹ năng làm việc, kinh nghiệm rồi mới ứng tuyển vào doanh nghiệp làm pháp chế, rồi gắn bó, phát triển. Cũng có người, vào doanh nghiệp nhưng làm các công việc khác như nhân sự, hành chính, thư ký, trợ lý kinh doanh … rồi được "phát hiện", đề bạt, bổ nhiệm cho công việc làm pháp chế. Thậm chí có những nhân sự không qua đào tạo cử nhân luật, mà học các ngành khác như kế toán, kỹ sư xây dựng, quản trị nhân sự… nhưng có kinh nghiệm công việc, cũng được bổ nhiệm làm công tác pháp chế chuyên về một số lĩnh vực chuyên môn nhất định như hợp đồng, xây dựng quy định nội bộ …
Việc pháp chế, là một công việc chuyên môn, nhân sự trẻ vào doanh nghiệp làm một thời gian, có nhiều kinh nghiệm, được bổ nhiệm các vị trí quản lý các phòng chuyên môn, rồi có thể phát triển nghề nghiệp lên vị trí giám đốc chuyên môn, giám đốc khối. Có rất nhiều nhân sự sau nhiều năm làm công tác pháp chế, đã được HĐQT của doanh nghiệp tin tưởng bổ nhiệm các vị trí điều hành doanh nghiệp như Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc, được đề cử và được bầu làm thành viên HĐQT trong các doanh nghiệp lớn, các công ty niêm yết. Tuy nhiên, với những áp lực nghề nghiệp nhất định, với những định hướng khác nhau của từng cá nhân, với những môi trường khác nhau mà họ “đụng chạm”, cùng với những đam mê riêng kịp phát hiện, cũng có rất nhiều nhân sự làm pháp chế một thời gian, thậm chí đã được bổ nhiệm làm quản lý, nhưng đã từ bỏ công việc, để đến với một “lối rẽ” khác.
Tóm lại, pháp chế doanh nghiệp, là một lựa chọn nghề luật. Là nghề, thì có đam mê, có thử thách, có thành công, cũng có thất bại. Khi ta chọn, nó gắn với cuộc sống con người của ta, nên cũng có nốt thăng, nốt trầm như chính bản nhạc cuộc đời của ta vậy. Yêu thì chọn, thương mến, đam mê thì “lấy”. Hạnh phúc thì “gắn với nhau một đời”. Không yêu thì chia tay để tìm “hạnh phúc mới”.
Vậy thôi.
Nguồn: Luật sư Lê Văn Dụng