Trong thực tiễn của đời sống, các giao dịch trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh - thương mại là hết sức đa dạng, phức tạp và ngày càng phát triển sôi động. Song song với sự phát triển đó, thì những rủi ro pháp lý cũng xảy ra ngày một nhiều hơn và không hề báo trước. Những rủi ro một khi xảy ra sẽ kéo theo những hậu quả là những thiệt hại về tài sản về thu nhập... không nhỏ, đẩy các bên vào tình thế khó khăn hoặc phá sản hoặc không còn khả năng phục hồi kinh doanh, nhiều trường hợp gây tán gia bại sản.
Đối với hoạt động kinh doanh - thương mại những rủi ro pháp lý trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng thường để lại những hậu quả nặng nề khó khắc phục, không chỉ mất nhiều thời gian mà còn tốn kém nhiều công sức, tiền của để khắc phục những thiệt hại đó.
Vấn đề nêu ở đây không phải là hướng dẫn cách khắc phục những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mà chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề là làm cách nào để phòng và tránh được các rủi ro có thể xảy ra hoặc chí ít cũng hạn chế đến mức thấp nhất những khả năng rủi ro có thể xảy ra đối với người tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng.
Như vậy, việc đề ra các biện pháp phòng, tránh và hạn chế các rủi ro pháp lý khi ký kết, thực hiện hợp đồng là hết sức cần thiết, đây cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm và cũng là yêu cầu chung cho bất kỳ một giao dịch dân sự hay kinh doanh – thương mại nào, khi mà bạn sẽ tham gia.
Dựa vào kinh nghiệm thực tiễn và vận dụng các quy định của pháp luật chúng tôi xin nêu một số lưu ý sau đây để bạn đọc tham khảo:
1- Tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật về hợp đồng và các quy định có liên quan đến giao dịch khi ký kết, thực hiện hợp đồng.
Việc làm này rất cần thiết bởi lẽ nó đảm bảo cho việc ký kết hợp đồng, nội dung thỏa thuận luôn đúng pháp luật, sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng và hạn chế được những rủi ro do hợp đồng trái pháp luật gây ra.
Việc tìm hiểu kỹ pháp luật sẽ cho phép quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng luôn thận trọng, chính xác, đạt độ chuẩn cao và như vậy sẽ có thể loại trừ được việc lợi dụng các sơ hở của bên đối tác để vi phạm hợp đồng.
Vì vậy việc tìm hiểu kỹ toàn diện các quy định của pháp luật về hợp đồng và có liên quan đến lĩnh vực mà mình tham gia giao dịch là điều cần làm đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
2- Tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về hình thức của hợp đồng về chủ thể tham gia ký kết hợp đồng.
a) Trước hết về hình thức hợp đồng phải được bảo đảm đúng pháp luật. Những loại hợp đồng nào được pháp luật quy định lập thành văn bản thì phải triệt để tuân thủ. Nếu có quy định phải đăng ký (như đối với các giao dịch bảo đảm) hoặc công chứng, chứng thực thì không bao giờ được tùy tiện bỏ qua. Việc vô tình hay cố ý bỏ qua không đăng ký, công chứng hoặc chứng thực sẽ làm hợp đồng bị vô hiệu và không có hiệu lực pháp lý.
Cũng cần lưu ý đối với những loại hợp đồng pháp luật không bắt buộc phải thực hiện bằng văn bản thì cũng nên cố gắng viết thành văn bản để bảo đảm chắc chắn rằng không bên nào từ chối được nội dung thỏa thuận mà hai bên đã ký.
b) Đối với chủ thể của hợp đồng, những người tham gia ký kết hợp đồng phải bảo đảm đủ tư cách như: đủ độ tuổi luật định, đủ năng lực hành vi và trong trường hợp đại diện để ký kết hợp đồng mà không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có giấy ủy quyền hợp lệ.
Cần chú ý đối với hợp đồng kinh doanh – thương mại thì hầu hết các chủ thể là pháp nhân do đó phải do người đứng đầu hay đại diện hợp pháp của pháp nhân như Giám đốc, chủ doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp không có chức danh Giám đốc) ký kết hoặc người đại diện do người đứng đầu pháp nhân đó ủy quyền thay mặt ký kết và việc ký kết phải được đóng dấu hợp lệ của pháp nhân.
Chỉ có ký kết hợp đồng đúng chủ thể thì hợp đồng mới có giá trị pháp lý và có hiệu lực thi hành.
Việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng cũng như bảo đảm chủ thể khi ký kết hợp đồng sẽ loại trừ đáng kể những rủi ro không đáng có.
3- Tìm hiểu kỹ đối tác trước khi chính thức đặt bút ký kết hợp đồng.
Nếu bạn không muốn "giao trứng cho ác" thì nhất thiết phải tìm hiểu kỹ đối tác mà mình đang dự định sẽ ký kết hợp đồng. Không chỉ lần đầu làm ăn với nhau mới tìm hiểu kỹ mà cả những lần sau nếu tiếp tục ký kết hợp đồng thì cũng thường xuyên xem xét lại khả năng, điều kiện và những thay đổi của phía đối tác một cách cụ thể thông qua những nguồn thông tin mà bạn tin cậy.
Việc tìm hiểu kỹ đối tác sẽ cho phép bạn đánh giá được khả năng, sự tín nhiệm, những hạn chế của đối tác từ đó bạn sẽ có sự lựa chọn cần thiết là có nên hợp tác hay ký kết hợp đồng với họ hay không?
Việc làm này là hoàn toàn cần thiết vì chẳng những bạn có thể loại trừ hoặc hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro khi ký hợp đồng mà còn tạo cơ hội cho công việc của bạn luôn phát triển vững chắc.
Sự tin cậy đối tác chỉ có được khi bạn biết rõ và hiểu được họ.
4- Soạn thảo nội dung hợp đồng phải chặt chẽ, đầy đủ nội dung cơ bản và ngôn ngữ phải chính xác.
Yếu tố này có ý nghĩa rất quan trọng. Để bảo đảm sự chặt chẽ và đầy đủ các nội dung cơ bản của hợp đồng thì bạn nên tham khảo các mẫu hợp đồng hoặc nhờ các luật sư, luật gia giúp đỡ. Ngoài ra bạn phải xem lại giao dịch đó còn có những yêu cầu gì cần đưa vào hợp đồng không. Chỉ khi nào tất cả những yêu cầu liên quan đến giao dịch được thỏa mãn thì bạn mới chính thức ký hợp đồng.
Tốt nhất là khi soạn thảo hợp đồng xong, thì nhờ người khác có am hiểu góp ý, các ý kiến của người ngoài cuộc thì sẽ sáng suốt hơn.
Cũng không nên chủ quan cho rằng mình đã ký kết nhiều hợp đồng khác mà bỏ qua sự chặt chẽ và quên đưa vào đầy đủ các nội dung chủ yếu của giao dịch trong bản hợp đồng vì sự cẩn thận của bạn không bao giờ thừa.
Về ngôn ngữ, văn phong trong bản hợp đồng thực hiện cho thấy chỉ "sai một ly, đi một dặm" nghĩa là rất nhiều trường hợp do ngôn ngữ, cách hành văn trong văn bản hợp đồng chưa chuẩn, tùy tiện đã gây ra các hậu quả không nhỏ.
Nguyên tắc chung thì khi soạn thảo văn bản phải bảo đảm ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, văn phong phải mạch lạc dễ hiểu và không hàm chứa nhiều nghĩa, tức là chỉ được hiểu một nghĩa mà thôi. Từng dấu chấm, dấu phẩy phải đặt đúng chỗ vì nếu đặt các dấu sai chỗ thì sẽ làm thay đổi hoàn toàn nghĩa của câu.
Điều cần chú ý là sau khi soạn thảo, đánh máy bao giờ cũng phải đọc, dò lại để kiểm tra xem khâu đánh máy có thiếu sót gì không và thêm một lần nữa để kiểm tra, cân nhắc lại từng câu từng chữ của bản hợp đồng.
5- Nội dung của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội.
Nếu bất kỳ nội dung nào mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mà vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì nội dung đó bị vô hiệu, nhiều trường hợp làm cho hợp đồng bị vô hiệu toàn bộ, điều này cũng sẽ làm bạn phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề, chẳng hạn tài sản giao dịch có thể bị tịch thu, không thu hồi được vốn, không được pháp luật bảo hộ...
Đây thực chất là một biện pháp mang yếu tố kỹ thuật, buộc người tham gia ký kết hợp đồng phải cân nhắc, xem xét về tính chất và hậu quả xấu có thể xảy ra trước khi ghi các nội dung thỏa thuận vào văn bản.
Lẽ đương nhiên người tham gia giao kết còn phải nhận biết chính xác những quy định của pháp luật về lĩnh vực mình giao kết để tránh không vi phạm.
6- Áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng đã được pháp luật quy định.
Pháp luật dân sự, kinh doanh - thương mại quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng gồm: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ, ký cược và tín chấp.
Tùy theo từng nội dung của giao dịch mà người tham gia giao kết xem xét nên đưa hình thức bảo đảm nào vào sao cho phù hợp và không phải giao dịch nào cũng giống nhau và áp dụng hình thức bảo đảm giống nhau.
Các biện pháp bảo đảm này có tính ràng buộc bên đối tác để tạo sự tin tưởng và độ an toàn khi giao dịch (nhất là trong hoạt động cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng).
Các biện pháp này nhìn chung là hiệu quả cao, ít xảy ra hậu quả xấu nên thường được áp dụng phổ biến để phòng ngừa sự vi phạm hợp đồng của bên đối tác.
Lưu ý: để bảo đảm tính pháp lý của hợp đồng khi có áp dụng biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp tài sản thì cần phải làm thủ tục công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng thủ tục pháp luật quy định..
7- Nhờ luật sư hoặc người có kinh nghiệm về lĩnh vực giao kết hợp đồng, tư vấn trong lĩnh vực soạn thảo hợp đồng.
Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thì tổ chức luật sư cũng phát triển và vai trò của luật sư trong đời sống xã hội nói chung và trong các hoạt động kinh doanh - thương mại và giao dịch dân sự trở nên rất quan trọng (ở nước Mỹ có trên một triệu luật sư).
Việc nhờ luật sư cố vấn từ khi soạn thảo, ký kết hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng, có thể được xem là một biện pháp hữu hiệu.
Luật sư là những người có chuyên môn về pháp luật, có khả năng sử dụng kiến thức pháp lý và vận dụng các quy định pháp luật để giúp người tham gia giao dịch dân sự, kinh doanh - thương mại soạn thảo một hợp đồng đạt được yêu cầu và khi ký kết thì các bên có thể vững tin. Vấn đề còn lại là phải chọn lựa đúng luật sư mà mình có thể tin cậy.
Với sự giúp đỡ của luật sư thì người tham gia giao dịch dân sự, kinh doanh - thương mại có thể yên tâm là mình đang ở trong một hành lang pháp lý an toàn. Điều này cũng giải thích được hiện tượng "các doanh nghiệp nước ngoài (kể cả nhiều công dân nước ngoài) bao giờ cũng có luật sư tư vấn riêng.
Cũng cần lưu ý rằng, việc nhờ luật sư phải nhằm mục đích giúp đỡ mình khi soạn thảo, ký kết hợp đồng luôn đúng pháp luật và bảo đảm sự an toàn pháp lý chứ không được lợi dụng họ để soạn thảo, ký kết hợp đồng có tính luồn lách pháp luật, che giấu các thỏa thuận, các giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội.
Theo Dazpro