Tiếng Anh pháp lý: Vì sao tiếng Anh chuyên ngành Luật khó nhưng "đang dễ hơn"?

Tiếng Anh pháp lý khó, các bạn nào đọc bài “Hoạt động giảng dạy kỹ năng soạn thảo pháp lý bằng tiếng anh tại một số trường đại học luật trên thế giới - tác giả Nguyễn Bá Trường Giang” thì cũng đã cảm nhận thấy rồi. Bài này tôi xin nói cụ thể thêm về xu hướng phát triển của TAPL và những cái “khó” của nó. Cái khó đối với chính người bản địa (Anh, Mỹ, Úc…) và cái khó đối với người Việt Nam khi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của chúng ta.

1. CÁI KHÓ VỚI NGƯỜI BẢN ĐỊA 

Để sử dụng thành thạo ngôn ngữ pháp lý, đương nhiên bạn phải hiểu được các thuật ngữ pháp lý, các học thuyết pháp lý, v.v. Ngôn ngữ pháp lý sẽ có những cái khó thuộc về bản chất tự nhiên của ngành luật, ở bất kỳ thứ tiếng nào, dù là tiếng Việt, Trung, Hàn, Nhật, Anh, Pháp, vân vân. 

Tuy nhiên, ngoài những cái khó thuộc về bản chất tự nhiên của ngành luật, TAPL còn khó (với cả người bản địa) vì nguyên nhân chính là “legalese”, xin giữ nguyên từ “legalese” vì tôi không biết từ tiếng Việt nào tương đương, và theo tôi “legalese” là 1 bộ phận của TAPL chứ không hoàn toàn là TAPL). Người Anh-Mỹ dùng từ “legalese” để chỉ một loại ngôn ngữ mà giới luật sư, thẩm phán sử dụng trong cách viết văn bản pháp lý (luật lệ, bản án, hợp đồng, v.v.) khiến cho những người “ngoại đạo” không thể hiểu nổi. Legalese là các kiểu câu, từ thường hay được sử dụng trong TAPL. Tôi xin nêu ra mấy đặc điểm chính của legalese:

  • Câu dài dòng, nhiều mệnh đề, chia tách không rõ ràng, dẫn đến việc khi đọc rất khó nắm bắt được ý nghĩa của câu, kể cả với người có vốn từ tiếng Anh tốt, hiểu nghĩa từng từ, từng cụm nhưng khi đọc vẫn vất vả. Ví dụ 1 câu: “(a) Any person who, by means of any machine, instrument, or contrivance, or in any other manner, intentionally taps, or makes any unauthorized connection, whether physically, electrically, acoustically, inductively, or otherwise, with any telegraph or telephone wire, line, cable, or instrument, including the wire, line, cable, or instrument of any internal telephonic communication system, or who willfully and without the consent of all parties to the communication, or in any unauthorized manner, reads, or attempts to read, or to learn the contents or meaning of any message, report, or communication while the same is in transit or passing over any wire, line, or cable, or is being sent from, or received at any place within this state; or who uses, or attempts to use, in any manner, or for any purpose, or to communicate in any way, any information so obtained, or who aids, agrees with, employs, or conspires with any person or persons to unlawfully do, or permit, or cause to be done any of the acts or things mentioned above in this section, is punishable by a fine not exceeding two thousand five hundred dollars ($2,500), or by imprisonment in the county jail not exceeding one year, or by imprisonment pursuant to subdivision (h) of Section 1170, or by both a fine and imprisonment in the county jail or pursuant to subdivision (h) of Section 1170. If the person has previously been convicted of a violation of this section or Section 632, 632.5, 632.6, 632.7, or 636, he or she is punishable by a fine not exceeding ten thousand dollars ($10,000), or by imprisonment in the county jail not exceeding one year, or by imprisonment pursuant to subdivision (h) of Section 1170, or by both that fine and imprisonment.” 
  • Dùng các từ latin và tiếng Anh“cổ đại”, những từ mà gần như đã “chết” trong tiếng Anh hiện tại. Cách dùng từ này khiến những người ngoại đạo (kể cả là giáo viên tiếng Anh giỏi) khi đọc văn bản pháp lý cũng bó tay. Ví dụ: từ latin phổ biến như ab initio, ad hoc, bona fide, casus fortuitous, caveat emptor, de facto, de jure, v.v. những từ tiếng Anh cổ (thậm chí có từ tra từ điển không thấy), hereinabove, witnesseth, aforesaid, heretofore, therefor, v.v. 
  • Dùng các cụm từ đôi, ba, v.v. của những từ cùng hoặc sát nghĩa một cách thừa thãi. Cách dùng từ này làm tăng sự rườm rà, phức tạp của kiểu câu vốn đã dài dòng như đề cập ở trên. Bạn sẽ thường gặp các cụm từ phổ biến ví dụ như: “Will and testament”; “covenants and agreements”; “fit and proper”; “convey, transfer and set over”; “cancel, annul and set aside”; “term, provision, covenants and agreements”; v.v. Tất cả các từ này nghĩa trùng sát nhau và thật ra có thể viết lại trong tiếng Anh hoặc dịch ra tiếng Việt bằng 1 từ.

Tại sao legalese tồn tại trong TAPL

Nước Anh xa xưa từng là thuộc địa của nhiều dân tộc khác, ngôn ngữ của họ chịu ảnh hưởng của nhiều thứ ngôn ngữ khác trong quá khứ. So sánh 1 chút với Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng nhiều bởi người Hán. Cổ nhân Việt thường dùng chữ Hán để sáng tác thơ. Tôi xin trích đoạn thơ trong bài thơ của Nguyễn Khuyễn (ông sống cách thời đại chúng ta khoảng hơn 100 năm) “Ái cúc dữ ái liên. Cổ giả ái phi nhất. Dư tính tố kiêm ái. Vãn niên độc ái quất…” Chắc bạn cũng giống tôi, đều không hiểu nghĩa mặc dù bạn biết đọc tiếng Việt. Khá tương tự, người bản địa Anh-Mỹ hiện đại sẽ không hiểu khi giới luật sư/thẩm phán sử dụng những từ ngữ & cấu trúc cách đây hơn cả trăm năm! Tại sao họ cổ hủ vậy? Hãy tự hỏi bạn thường làm gì khi phải soạn 1 hợp đồng. Gần như không có ai viết từ đầu cả, bạn sẽ chọn một form mẫu mà bạn thấy phù hợp nhất và dùng nó. Bạn chỉ chỉnh sửa những phần cần thiết, giữ nguyên những gì bạn thấy ổn. Tương tự như bạn, giới luật sư Anh (chắc cũng có từ lâu lắm rồi) cũng đã duy trì và giữ lại các từ, cụm từ, cách viết câu cách đây cả trăm năm trước, và thế là “legalese” tồn tại đến bây giờ.

2. CÁI KHÓ VỚI NGƯỜI VIỆT NAM

Khó vì “legalese” như đã nói ở trên rồi. Ngoài ra với luật sư/sinh viên luật VN sẽ gặp thêm 1 số khó khăn sau. 

  • Khó khăn tiếp cận hệ thống pháp luật Anh-Mỹ: Học TAPL không đơn thuần chỉ là học ngoại ngữ mà còn liên quan đến việc hiểu về luật Anh-Mỹ (common law). Việt Nam theo hệ thống Civil law, do đó có nhiều khái niệm/tư duy của Common law sẽ khá xa lạ và trìu tượng đối với giới luật sư/sinh viên luật của Việt Nam. Một số nước Đông Nam Á khác như Philipine, Singapore, Myanmar và Malaysia, họ có dùng common law, nên đối với những nước này (kể cả không nói tiếng Anh) thì luật sư của họ sẽ có lợi thế hơn khi tiếp cận TAPL. 
  • Khó khăn chung của người Việt khi học tiếng Anh: Tôi tạm bỏ qua kỹ năng nghe-nói để chỉ nói đến kỹ năng đọc-viết vì đây là 2 kỹ năng rất quan trọng với luật sư. Để đọc và viết tốt thì phải có hai thứ, vốn từ vựng và ngữ pháp. Từ vựng tiếng Anh (nghe đâu tận 600 nghìn) là thuộc loại nhiều so với một số ngôn ngữ khác (bao gồm tiếng Việt). Từ vựng nhiều thì học sẽ khó rồi, chưa kể luật sư còn phải biết thêm từ vựng pháp lý nữa. Còn ngữ pháp tiếng Anh thì cá nhân tôi thấy khó. Lớp 6 tôi phải học các thì (“tenses”) trong tiếng Anh, lên lớp 10 vẫn học lại, rồi đến đại học, ra trường học tiếp mà đến tận bây giờ vẫn thấy nó rắc rối. Phải nhớ nào là các dạng của động từ (present, past, past participle), nhớ cấu trúc câu của từng thì (be, have done, have been doing, will, will be…) và nhiều thứ khác. Trong khi tiếng Việt ta phần “thì” này rất gọn. Động từ cố định: hôm qua, bây giờ hay ngày mai “làm” gì thì cũng đều dùng từ “làm” (tiếng Anh bạn phải nhớ 3 từ khác nhau cho 1 nghĩa “làm”: do, did, done). Quá khứ, hiện tại hay tương lai chỉ cần chèn từ “đã”, “đang” hay “sẽ”, không phải nhớ quá nhiều công thức như “have done”, “have been doing”, .v.v.

3. TIẾNG ANH PHÁP LÝ ĐANG “DỄ HƠN”

Mặc dù ở trên đã nói về những cái khó của TAPL rồi, nhưng tôi thật sự rất tự tin là các thế hệ luật sư về sau của VN sẽ có trình độ TAPL tốt hơn so với tôi và các thế hệ đi trước. Có hai nguyên nhân chính sau:

TAPL hiện đại đang dần loại bỏ “legalese” 

Các nước nói tiếng Anh đang cải cách TAPL để nó dễ dàng và gần với tiếng Anh hiện đại hơn. Legalese - đang dần dần bị loại bỏ khỏi TAPL tại các nước này. Năm 2010, Tổng thống Obama đã ký đạo luật “Plain writing Act”, đạo luật nhằm loại bỏ “legalese” trong văn bản của các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ. Tất nhiên thay đổi nào cũng sẽ cần một thời gian đủ dài. Hiện tại, tôi thấy các bản án gần đây của Tòa Tối cao Mỹ (thời Robert) được viết với rất ít legalese. Khi dự thính đàm phán giữa các luật sư bản địa của các nước đó (partner người Úc của 1 firm top 20 thế giới và luật sư nội bộ của 1 tập đoàn lớn của Mỹ), tôi thấy form hợp đồng họ dùng tất nhiên vẫn có legalese nhưng không đến mức đậm đặc gây khó hiểu. Có thể kết luận rằng xu hướng chung của thế giới sẽ là thứ TAPL rõ ràng và gần với tiếng Anh hiện đại. 

Nhân đây xin nói về 2 lối tư duy mà tôi hay gặp ở một số luật sư Việt Nam. Thứ nhất là xu hướng “đánh giá cao” văn bản pháp lý chứa nhiều “legalese”. Có lẽ vì họ thấy nó văn phong “luật sư tây” nên thích chứ không biết rằng chính người Mỹ đang cố bỏ nó đi. Nhưng nguy hiểm hơn cả là sử dụng một thứ mà bản thân mình “thích” nhưng “không hiểu rõ”. Thực tế tôi đã gặp luật sư dù không nắm chắc được các điều khoản trong form mẫu (down free trên mạng) nhưng vẫn đòi sử dụng cho 1 giao dịch đơn giản (điều chỉnh bởi luật Việt Nam) mà chỉ cần 1 mặt giấy là đủ. Lý do có lẽ vì luật sư này thấy form trên mạng chi tiết đầy đủ đến 4 trang tiếng Anh và có nhiều “legalese”! Nhưng ai đọc hiểu được sẽ nhận thấy điều khoản trong form đó cho một cơ cấu giao dịch khác (của common law) mặc dù tiêu đề form giống như tên của loại giao dịch theo luật Việt Nam. Thứ hai là lối nghĩ mà tôi cũng hay nghe nhiều người nói (nhất là khi tranh cãi về luật Việt Nam), đó là tiếng Việt đa nghĩa, thế này, thế nọ nên khó khăn khi soạn thảo luật lệ, hợp đồng (so với tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác). Có lẽ do họ chưa tiếp xúc hoặc hiểu được sự phức tạp của các ngoại ngữ khác. Thật sự sẽ có những câu bạn diễn đạt bằng tiếng Việt dễ hơn tiếng Anh và ngược lại. Xin đừng đổ lỗi cho tiếng Việt mà hãy nghĩ lại khả năng sử dụng/soạn thảo tiếng Việt của chính mình. Tôi rất hy vọng các bạn (nhất là các bạn trẻ) đọc bài này sẽ không bị vướng vào hai lối tư duy trên. Tuy vậy cũng xin nhắc các bạn trẻ là tùy môi trường, hãy xem xét mọi người xung quanh bạn có phong cách soạn thảo văn bản thế nào. Trừ khi bạn là sếp, để an toàn, bạn nên thích ứng với văn phong chung của tổ chức thay vì đòi hỏi mọi người xung quanh thay đổi. 

Tiếng Anh của người Việt Nam đang tốt lên

Ngày xưa thiếu thốn lắm, không có nhiều sách vở, internet, trung tâm ngoại ngữ hay tây xung quanh để rèn ngoại ngữ nhiều như các thế hệ bây giờ đâu. Bây giờ các trường ĐH ngành luật trong nước cũng chú trọng đào tạo ngoại ngữ hơn, có nhiều bạn còn đi du học nữa. Chính vì vậy, cũng dễ hiểu khi thấy mặt bằng tiếng Anh của các bạn thế hệ sau thường tốt hơn thế hệ trước. Đặc biệt là kỹ năng nghe-nói. Bản thân tôi đã nghe luật sư được xếp hàng “tier 1” trong legal 500 tranh tụng tiếng Anh thế nào. Và may mắn hơn khi tôi được chứng kiến một bạn trẻ (cá nhân tôi đánh giá là rất xuất sắc, đời đầu 9x thì phải) tranh luận tiếng Anh tại phiên tòa giả định mà chủ tọa là bà Ginsburg – Thẩm phán Tòa Tối cao Mỹ. Xét riêng về khả năng tranh luận tiếng Anh, thành thật mà nói là bạn trẻ đó ở một tầm cao hơn thấy rõ. Đó là một tín hiệu lạc quan về sự phát triển kỹ năng ngoại ngữ của giới luật sư Việt Nam. 

Mặt bằng tiếng Anh trung bình của các thế hệ sau tốt hơn trong khi legalese đang dần được loại bỏ, vì vậy có thể nói rằng TAPL đang trở nên dễ hơn với người Việt Nam. Các bạn trẻ, hãy nhớ bạn đang có nhiều thuận lợi hơn khi tiếp cận tiếng Anh chuyên ngành luật, hãy tận dụng tốt điều kiện của mình./.

Tác giả: Luật sư Trịnh Ngọc Tuấn

Facebook: The skilled lawyers - Kỹ năng luật sư: https://www.facebook.com/theskilledlawyers/

Nguồn: caselaw.vn